Nghệ sĩ livestream bán hàng online: Phải chăng là điểm trọ cuối cùng khi thất thế?

02/12/2023 06:22:07

“Gần như nghệ sĩ chỉ coi livestream là một nghề tạm nhưng không phải nghệ sĩ nào đi bán hàng livestream cũng thành công”.

Nền tảng số phát triển tạo ra nhiều lợi ích, cơ hội mới trong cuộc sống và ví dụ rõ ràng nhất chính là sự phát triển của công việc kinh doanh online. Hình thức livestream bán hàng không còn quá xa lạ và phát triển trong vài năm trở lại đây, và trở nên rầm rộ hơn khi không ít nghệ sĩ nổi tiếng chọn kinh doanh online để có thêm nguồn thu nhập. Với sức ảnh hưởng cũng như mức độ uy tín với người hâm mộ, nhiều nghệ sĩ có được thu nhập khủng từ việc bán hàng qua livestream. Tuy nhiên, việc người nổi tiếng kinh doanh online trở thành vấn đề gây bàn tán. "Diễn viên bán hàng online mất giá", "nghệ sĩ hết thời mới bán hàng online"... là những bình luận thường gặp trên các phiên phát sóng trực tiếp.

"Cơn lốc" livestream bán hàng của nghệ sĩ

Livestream bán hàng từng là xu hướng thịnh hành ở thị trường Trung Quốc. Đây là hình thức kinh doanh được đánh giá là thuận tiện, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. Khi internet phát triển và mỗi người đều có thể lướt mạng thì tiềm lực của việc bán hàng qua livestream là vô cùng lớn. Hơn hết, khi các doanh nghiệp tận dụng sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ thì các phiên livestream đều đạt mắt xem ấn tượng cũng như thu về doanh số khủng. Phạm Băng Băng, Trương Bá Chi, Giả Nãi Lượng, Trần Hách, Lưu Đào, Xa Thi Mạn... đều là ngôi sao đình đám xứ Trung và cũng là những "chiến thần" của những phiên livestream vài chục tỷ đến trăm tỷ đồng. Sử dụng tên tuổi và sức ảnh hưởng của bản thân để đại diện nhãn hàng, giới thiệu sản phẩm thì các nghệ sĩ cũng sẽ nhận được khoản thù lao không hề nhỏ.

Nghệ sĩ livestream bán hàng online: Phải chăng là điểm trọ cuối cùng khi thất thế?
Ngôi sao đình đám xứ Trung - Trương Bá Chi livestream bán hàng

Xu hướng nghệ sĩ livestream bán hàng vài năm gần đây cũng trở nên bùng nổ ở Việt Nam. Một trong những cái tên có sức hút với khách hàng trực tuyến hiện nay chính là Lê Dương Bảo Lâm. Với sự hài hước, nhạy bén và vô cùng hoạt ngôn, những phiên livestream của nam diễn viên luôn thu hút lượng xem lớn. Sự sáng tạo làm nên thương hiệu cá nhân nên không quá khó hiểu khi Lê Dương Bảo Lâm trở thành "gương mặt vàng" của các sàn thương mại điện tử. Nam diễn viên được các nhãn hàng quan tâm và mời livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Theo Lê Dương Bảo Lâm chia sẻ, thù lao từ công việc livestream giúp gia đình anh "phất lên".

Một gương mặt khác gây bất ngờ khi lấn sân sang lĩnh vực livestream bán hàng là Diệp Lâm Anh. Các sản phẩm mà Diệp Lâm Anh giới thiệu trong các phiên livestream chủ yếu là ngành hàng làm đẹp, chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Diệp Lâm Anh chia sẻ trước mỗi phiên livestream, cô và ekip phải chuẩn bị các khâu từ kịch bản, kỹ thuật, thương lượng đối tác về những “deal tốt” cho khách hàng. Trong một buổi phỏng vấn, "chị đẹp" khiến nhiều người ngỡ ngàng khi tiết lộ doanh thu bán hàng online khủng nhất từng đạt được là 4 tỷ đồng, công việc này có thể kiếm gấp 10 - 20 lần cát-xê dự sự kiện.

Ngoài ra, những nghệ sĩ như Thủy Tiên, Bảo Thy, HIEUTHUHAI, Thùy Tiên, Quỳnh Lương… cũng đã có những buổi livestream bán hàng ấn tượng. Có thể nói, “cơn lốc” livestream bán hàng ở giới nghệ sĩ ngày càng thêm bùng nổ. Bên cạnh hợp tác với nhãn hàng, có những sao Việt tự kinh doanh và sử dụng hình ảnh bản thân như gương mặt đại diện cho sản phẩm mà mình buôn bán. Như Nhật Kim Anh, Hòa Hiệp, Hà Trí Quang… có thương hiệu riêng và livestream như hình thức quảng bá, bán hàng. Thông thường, các nghệ sĩ sẽ có buổi livestream ở Fanpage - nơi sở hữu lượng người theo dõi đông đảo sẵn có.

Nghệ sĩ livestream bán hàng online: Phải chăng là điểm trọ cuối cùng khi thất thế? - 1

Xu hướng nghệ sĩ livestream bán hàng đã thoái trào ở Trung Quốc

Bùng nổ nhanh là thế nhưng xu hướng người nổi tiếng livestream bán hàng tại Trung Quốc đã bão hòa trong gần 2 năm trở lại đây. Bắt đầu từ năm 2022, các hoạt động livestream của Lưu Đào, Tần Hải Lộ và Cảnh Điềm đã tạm ngưng. Bên cạnh đó, các chương trình phát sóng trực tiếp của nghệ sĩ xứ Trung đã trở nên ít phổ biến hơn.

Khác với tình hình ở thị trường tỷ dân, việc livestream bán hàng ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bùng nổ. Minh chứng là ngày càng nhiều người có sức ảnh hưởng tham gia vào việc "chốt đơn" trực tuyến. Việc chấp nhận livestream bán hàng giúp nghệ sĩ có nguồn thu nhập khá cao. Các hợp đồng livestream có thể gấp nhiều lần so với khi đi diễn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện ở các nền tảng số cũng là cách phủ sóng của nghệ sĩ, nâng cao tên tuổi của mình.

Về xu hướng nghệ sĩ livestream bán hàng ở Việt Nam, ông Lương Trọng Nghĩa - CEO Oscar Town, người có chuyên môn và kinh nghiệm về quản lý nghệ sĩ cũng như đứng sau thành công của nhiều phiên livestream, ông cũng có những góc nhìn thú vị. Khi được hỏi về xu hướng nghệ sĩ Việt livestream bán hàng online hiện nay có phải chạy theo trend cũ của Trung Quốc, ông Lương Trọng Nghĩa đánh giá: "Cũ người mới ta chuyện, đó cũng là chuyện bình thường. Ngày xưa khi đọc được tin ‘chiến thần bán son môi doanh số 1 ngày bằng cả trung tâm thương mại tôi nghe tưởng chuyện hoang đường. Nhưng khi công nghệ livestream đổ bộ vào Việt Nam thì tôi thấy điều đó là hoàn toàn có thật với một đất nước tỷ dân như Trung Quốc. Giờ đang là xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng đối với những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, châu Mỹ lại là xa lạ và có khi 5 năm nữa họ mới theo kịp mình".

Nghệ sĩ Việt chạy theo trend cũ và cái kết…?

Lý do khiến xu hướng nghệ sĩ livestream bán hàng dần thoái trào ở Trung Quốc là do phản hồi không tích cực từ công chúng. Nhiều người cho rằng các nghệ sĩ chạy đua livestream khiến chất lượng các sản phẩm nghệ thuật bị giảm sút. Uy tín và danh tiếng của nghệ sĩ được xây dựng bởi chính những cống hiến nghệ thuật. Bên cạnh đó, để tạo sự cạnh tranh, các sàn thương mại điện tử lẫn các nhãn hàng tung chiến lược giá hời. Khắp các nền tảng livestream đều xuất hiện "giá thấp nhất" khiến người tiêu dùng hoang mang và có những quyết định mua sai lầm với những sản phẩm kém chất lượng, sai về giá. Và trước khi truy cứu trách nhiệm từ các phía thì người nghệ sĩ livestream bán sản phẩm phải “chịu trận” từ dư luận.

Đơn cử như trong phiên livestream của Giả Nãi Lượng, nam nghệ sĩ giảm giá cho sản phẩm áo lông vũ từ 10 triệu đồng xuống còn 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên một người tiêu dùng "phốt" Giả Nãi Lượng bán giá ảo vì ở sàn thương mại khác, sản phẩm tương tự chỉ có 750 - 780 nghìn đồng. Vụ việc này khiến Giả Nãi Lượng bị khán giả chỉ trích và quay lưng.

Hay một ví dụ khác là ngôi sao đình đám Trần Tiểu Xuân bị hàng nghìn khán giả gửi đơn khiếu nại đến Bộ Thương mại Trung Quốc vì nghi vấn bán vàng kém chất lượng. Trong một buổi livestream tài tử Lộc đỉnh ký đã rao bán vàng miếng với giá 33 nghìn đồng (đã bao gồm cước phí vận chuyển) và tặng kèm ảnh chân dung có chữ ký cho tất cả người mua. Nhưng khi khách hàng nhận sản phẩm, họ ngã ngửa khi phát hiện miếng vàng thực chất chỉ là một mảnh nhựa được sơn màu, còn bức ảnh kèm chữ ký là hàng sản xuất đại trà thay vì chữ ký thật của Trần Tiểu Xuân.

Từ những vấn đề nổi cộm, các nghệ sĩ cũng hạn chế livestream bán hàng. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có chuyển biến tốt thì các nghệ sĩ cũng quay trở lại với công việc chính của mình. Đối với nhiều người, nghề livestream chỉ là nơi tạm dừng chân trước tình hình khó khăn và cách đầu tư cũng khá tạm bợ.

Các nghệ sĩ Trung Quốc đang dần rút khỏi ngành livestream bán hàng. Tuy nhiên xu hướng này vẫn đang phát triển ở Việt Nam. Vậy để không rơi vào tình trạng như các ngôi sao xứ Trung thì nghệ sĩ Việt cần phải làm gì ở lĩnh vực livestream bán hàng này?

Nghệ sĩ livestream bán hàng online: Phải chăng là điểm trọ cuối cùng khi thất thế? - 2

Ngoài việc hoạt ngôn và có khả năng thuyết phục người mua thì nghệ sĩ khi livestream cần phải tìm hiểu sản phẩm mà mình giới thiệu. Đã không ít lần nhiều nghệ sĩ hớ lời hay cung cấp thông tin sản phẩm sai lệch, khiến phiên livestream thất bại, nhãn hàng bị ảnh hưởng mà hình ảnh nghệ sĩ cũng trở nên tiêu cực. Thế nên việc nghiêm túc, chuẩn bị kiến thức và một tâm thế tốt trước mỗi phiên livestream là điều rất cần thiết đối với nghệ sĩ. Không nên nhìn nhận livestream bán hàng là chỉ cần lộ diện, nói chuyện như tâm sự với fan thì sẽ bán được hàng.

Việc nghệ sĩ chấp nhận livestream là công việc đặt cược bằng danh dự. Khi rủi ro xuất phát từ phía khác thì người nghệ sĩ cũng phải đứng mũi chịu sào. Thế nên khi quyết định sử dụng hình ảnh và mức độ ảnh hưởng của bản thân để bán hàng thì nghệ sĩ cần phải tỉnh táo và làm việc thật kỹ lưỡng với nhiều phía.

Khi chấp nhận bước vào con đường livestream bán hàng, người nghệ sĩ cũng phải đối diện với những luồng ý kiến trái chiều từ khán giả. Làm kinh doanh thì khách hàng chính là "thượng đế", nhưng 9 người thì 10 ý, nghệ sĩ khôn khéo và hiểu biết sẽ dễ dàng có được thành công.

Ông Lương Trọng Nghĩa cũng cho rằng người nghệ sĩ cần nghiêm túc, đầu tư thời gian và kiến thức cho công việc livestream bán hàng vì đây là ngành không phải ai cũng dễ dàng thành công. "Gần như nghệ sĩ chỉ coi livestream là một nghề tạm trong lúc kinh tế suy thoái, khi mà các nhãn hàng hay công ty không mặn mà với các sự kiện. Nhưng khi nghệ sĩ làm việc không nghiêm túc, không xem nó là nghề nghiệp quan trọng thì tất nhiên sẽ không làm tốt được, bạn phải yêu nó thì nó mới yêu lại mình. Bằng chứng là không phải nghệ sĩ đi bán hàng livestream cũng thành công", ông Lương Trọng Nghĩa chia sẻ.

Theo Trung Thu (Phụ nữ mới)

Nổi bật