Là khách mời trong chương trình Nhà có khách số 75, MC La Thoại Phi đã có cuộc trò chuyện thân mật cùng nghệ sĩ hài Thúy Nga về cuộc đời và chặng đường làm nghề của mình.
Thúy Nga nói: “Hồi xưa Nga đi diễn hài thì anh Phi làm MC. Anh ấy dễ thương lắm, kiểu người chân chất mà không hiểu sao lại trà trộn làm được trong cái giới showbiz phức tạp này”. Sau lời nhận xét hóm hỉnh này, Thúy Nga hỏi đàn anh về nghệ danh cũng như xuất thân của mình.
La Thoại Phi bật cười kể: “Thời phong kiến mà nên ông ngoại tôi có 3 bà. Bà ngoại lớn là công chúa, cô của vua Bảo Đại. Bà ngoại ruột tôi là thứ 3. Nhưng theo cung cách hoàng tộc thì tất cả con của 3 bà đều xem 3 bà là mẹ ruột hết. Đôi khi tôi cũng tự hào ảo là cháu ngoại của công chúa nhưng thực sự chỉ là bà ngoại chính thất thôi”.
Nói về nghệ danh, anh chia sẻ: “Khi vào nghề tôi nghĩ mình cần có cái nghệ danh cho người ta nhớ. Thời điểm đó, nghệ sĩ La Thoại Tân vừa đẹp trai vừa tài danh, vừa diễn viên điện ảnh vừa là kịch sĩ, đóng chính với Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh… nên tôi tự đặt nghệ danh này cho mình.
Khi tôi làm chương trình, ai cũng hỏi có bà con gì với nghệ sĩ La Thoại Tân không vì thấy mặt cũng giống giống. Được giống ông La Thoại Tân thì mừng quá vì ông đẹp trai lắm. Già thì tôi đỡ, già lại đẹp lão ra” (cười).
Về cơ duyên đến với nghệ thuật. Anh tâm sự: “Nhà tôi có 9 anh em, ai cũng có máu văn nghệ, hát khá, nhà nhiều nhà thơ lắm dù nghiệp dư thôi. Chỉ có mình tôi theo chuyên nghiệp.
Trước giải phóng, cha tôi là trưởng ty văn hóa Huế. Ông có máu văn nghệ, hát hay, là nhà thơ nổi tiếng ở Huế. Ông tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ ở Sài Gòn ra, thấy cuộc sống của nghệ sĩ khổ quá nên khuyên các anh chị tôi, yêu thì yêu, thích thì thích nhưng ba không khuyến khích theo con đường chuyên nghiệp.
Khi tôi lớn lên thì ba mất rồi, năm 1977. Năm 1980 cả gia đình vào Nam, lúc đó tôi mới 11 tuổi thôi. Học phổ thông là tôi bắt đầu đi hát. Lúc đó chưa hình thành nghề dẫn chương trình. Khi anh Thanh Bạch học ở Nga về thì mới hình thành nên thế hệ dẫn chương trình. Tuổi đó tôi chỉ mê hát thôi. Lớp 11, 12 là đã trốn học đi hát.
Năm lớp 12 tôi có đi học ngoại khóa lớp thanh nhạc. Thời đó anh Thái Châu, chị Thanh Lan rất nổi. Hồi đó chủ yếu hát nhạc vũ trường, mình hát trên sân khấu, ở dưới người ta khiêu vũ”.
Nghệ sĩ La Thoại Phi kể về chặng đường làm ca sĩ gian nan của mình. Anh bộc bạch: “Tôi hát ở vũ trường 3 đêm, tiền lương mới đủ tiền ăn 1 tô phở. Nhưng nhận đồng tiền đầu tiên của nghề mà mình yêu thích nên vui lắm.
Rồi đi hát các quán cà phê. Đầu tiên tôi đi hát là phải trả tiền nước, mua nước mới được lên hát. Dần dần hát thì không phải trả tiền nước nữa, rồi hát mà được cho ly nước, rồi được lương.
Một thời gian sau, tôi đi hát tỉnh, đi các đoàn nhỏ, về hát ở Cần Đước, Cần Giuộc – Long An. Hát xong là ngủ ở ruộng luôn, sáng ra người ê ẩm. Lương hát 1 tuần được 17.000 đồng".
Nhưng một biến cố đã làm thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của La Thoại Phi. Đó chính là sự ra đi của người anh rể. Trong chương trình, anh trải lòng: "Lúc đó gia đình khó khăn, người về Cà Mau, về Bạc Liêu lập nghiệp rồi gửi tiền về Sài Gòn, giao nhà cho mấy chị em nhỏ ở với nhau.
Trong gia đình có ông anh rể rất quan tâm các em. Em vợ mà anh ấy thương lắm. Tôi đi hát tỉnh nên không biết anh mất, lúc về thì đã mở cửa mả rồi. Về nhà mới biết, anh rể trăng trối là kêu tôi về đi học lại, vì tôi đi lang bạt cực quá.
Trước lời khuyên đó thì tôi mới ôn thi đại học và đậu Đại học Sư phạm Văn. Năm đó 17 điểm là được học bổng, tôi được 17,5 điểm. Tôi học 1 năm thì nghỉ đi hát vì nhớ sân khấu. Lần này, tôi đi đoàn lớn hơn.
Về Sài Gòn, tôi nhờ chị Lệ Thu, chị Hoàng Cúc giới thiệu, dần dần tôi hát sân khấu nhỏ như Bạch Tùng Diệp, Sao Đêm…
Tôi được hát chung với các thần tượng. Lương của họ 30.000 thì của tôi 10.000 rồi 15.000 rồi 30.000. Lúc mình nhận lương 40.000 đồng thì họ biến mất tiêu. Sau này tôi nghiệm ra 1 điều, đặc biệt là nghề ca hát của mình, sóng sau xô sóng trước, tre già măng mọc. Mình phải chấp nhận sự đào thải của nghề”.
Theo Hương Hương (Nguoiduatin.vn)