Hài kịch Biết người biết ta - Bảo Chung và Hồng Tơ
Đòi cưới... NSND Lệ Thuỷ
Nghệ sĩ Hồng Tơ tên thật là Cao Văn Tơ. Anh sinh ra và lớn lên tại Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang. Từ nhỏ, Hồng Tơ đã có máu văn nghệ trong người và nhận mình ham chơi hơn ham học.
Ở nhà, ba mẹ Hồng Tơ có mua dàn máy hát cổ. Từ nhỏ, Hồng Tơ đã được nghe nghệ sĩ Lệ Thuỷ, nghệ sĩ Minh Cảnh hát: "Cô hàng chè tươi", "Bạch Thu Hà", "Võ Đông Sơ" nên lời ca tiếng hát cứ thế thấm vào tâm hồn cậu bé.
"Có lần mẹ tôi hỏi: "Lớn lên, con muốn cưới vợ làm nghề gì"? Tôi còn nhỏ, thấy chị Lệ Thuỷ hát hay thì thích, nên vô tư trả lời: "Sau này con thích vợ làm nghệ sĩ. Chắc con cưới chị Lệ Thuỷ mẹ à". Còn nhỏ quá nên tôi ngây ngô như vậy, kêu chị mà đòi cưới chị", danh hài Hồng Tơ kể.
Hồng Tơ nhận mình có máu văn nghệ, diễn xuất và ham chơi cờ bạc từ nhỏ. Nhà có 6 chị em, Hồng Tơ là trai út. Dịp Tết năm đó, Hồng Tơ được cả nhà lì xì. Có tiền lì xì, Hồng Tơ đem đi đặt bầu cua, thua nhẵn túi.
Thấy ai cũng có tiền chơi mà mình thì hết phải ở nhà, Hồng Tơ buồn, nằm vắt tay lên trán nghĩ cách. Hồng Tơ nghĩ ra một kế: "Tôi lấy chai thuốc đỏ giấu trong người.
Tôi làm bộ chạy rồi vấp ngã trúng con dao. Sẵn chai thuốc đỏ, tôi đổ ra trông như máu chảy rồi kêu "Má ơi, chết con rồi. Ai để cái dao ở đây làm máu con đổ quá trời".
Má tôi chạy ra kêu la ầm ĩ rồi bế xốc tôi lên tính đưa đi viện. Tôi nói: "Má đừng đưa con đi bệnh viện chi cho tốn tiền. Má cho con tiền đi, con hết bệnh liền. Nói thế để thấy là từ nhỏ tôi đã biết diễn rồi", Hồng Tơ hài hước chia sẻ.
Hồi nhỏ, Hồng Tơ rất nghịch ngợm nên cũng hay bị ba đánh đòn. Hồng Tơ bảo ba anh tính rất nóng nhưng anh cũng không phải... dạng vừa.
Mỗi lần ba anh nói ngọt không nghe là ông lấy roi ra dạy. Đánh ít thì Hồng Tơ không sợ nên mỗi lần đánh con là ông đánh rất dữ để con chừa tật.
Hồng Tơ cười nhớ lại: "Nhà tôi có cây roi mây to bằng ngón tay út. Tía tôi quất xối xả từ đầu xuống chân. Tôi đau quá, kêu la ầm ĩ mà tía vẫn đánh. Vậy là tôi làm bộ ngất xỉu.
Mỗi lần tía đánh là má tôi hay đứng gần đó vì xót con. Thấy tôi xỉu, má kêu "ông đánh chết thằng nhỏ rồi. Nó xỉu rồi". Tía nói: "Sao bà không biết chở nó đi bệnh viện đi". Lúc má bế xốc tôi lên, tôi nói nhỏ: "Má ơi đừng bồng con đi viện. Con đau quá nên làm bộ xỉu đó".
Cạo trọc đầu, ăn chay khi cha nguy kịch
Dù nghịch ngợm, ham chơi, ham cờ bạc từ nhỏ nhưng Hồng Tơ lại là một người con rất có hiếu với cha mẹ. Học tới lớp 9 thì Hồng Tơ nghỉ ngang. Việc anh nghỉ học một phần là duyên số, một phần vì học dở lại ham chơi nhưng một phần cũng vì lý do vô cùng đặc biệt.
Năm đó, ba anh bệnh nặng tưởng không qua khỏi. Cũng như thường ngày, sáng hôm ấy, Hồng Tơ cắp cặp đi học. Về tới nhà mới nghe gia đình kể lại, ba anh vừa chết đi sống lại. Hồi đó, Hồng Tơ còn nhỏ nên nghe vậy thì rất sợ:
"Tôi thắp nhang bàn thờ gia tiên cầu xin cho tía đừng chết. Tôi khấn, xin ông bà, trời Phật cho tía sống đời với con, để tía nuôi con khôn lớn. Chỉ cần tía khoẻ lại, con xin cạo đầu ăn chay một tháng", Hồng Tơ thật tình chia sẻ.
Sau đó, cha của Hồng Tơ khoẻ lại. Hồng Tơ cũng cạo đầu và ăn chay một tháng như lời khấn nguyện. Nhưng có một chuyện không ai ngờ tới đã xảy ra. Đi học, các bạn trong trường, trong lớp nhìn thấy cái đầu trọc lóc của Hồng Tơ thì trêu ghẹo. Hồng Tơ xấu hổ nên... nghỉ học luôn.
Và dù bị cha mẹ la mắng thì Hồng Tơ vẫn cứ nghỉ. Sẵn tính ham chơi, không ham học, tối ngày Hồng Tơ đi vòng vòng chơi với đám bạn lêu lổng trong xóm. Đi đánh bài, bi da và nhiễm những thói hư tật xấu.
Ngày ấy, Hồng Tơ có người anh chơi đờn ca tài tử. Tối tối người anh đó dẫn Hồng Tơ đi hát cho vui. Lúc đầu, Hồng Tơ cũng nghêu ngao hát chứ không biết nhịp phách, trường canh là gì.
Được một thời gian, ba mẹ quyết định cho Hồng Tơ lên Sài Gòn học nghề tiện. Cứ 2, 3 tháng anh về thăm nhà một lần.
Nhưng trong một chuyến về thăm nhà, định mệnh đã đưa đời anh rẽ sang con đường làm nghệ thuật: "Trên đường về thăm nhà, tôi đi ngang đình Sơn Mỹ Tây và nhìn thấy hình anh Sơn Kiệt. Tôi kêu bác tài cho dừng xe và vô đó xin theo nghề hát.
Tôi bắt đầu sống cuộc đời rày đây mai đó, chập chững làm những vai rất nhỏ trong đoàn như quân sĩ câm và quân sĩ báo. Quân sĩ câm là người theo hầu quan lại, vua chúa, không được nói. Quân sĩ báo thì được nói một hai câu kiểu như "Dạ bẩm có con" hoặc "Dạ, tuân lệnh".
Nhưng rồi nghề dạy nghề, tôi đi hết đoàn này tới đoàn kia. Lúc đầu chỉ là đi hát cho vui chứ không nghĩ sau này sẽ trở thành nghệ sĩ Hồng Tơ, có tên tuổi và được khán giả yêu mến như bây giờ", Hồng Tơ nói.
Theo Thanh Thúy (Soha/Trí Thức Trẻ)