Liên hoan phim Cannes được tổ chức từ năm 1946 và trở thành địa điểm quy tụ những ngôi sao điện ảnh và những nhà sản xuất lừng danh trên khắp thế giới. Đây cũng là nơi để những diễn viên gặp gỡ những đạo diễn, biên kịch nổi tiếng và tìm kiếm cơ hội đổi đời trong tương lai. Tuy được tổ chức quy mô, hoành tráng và tạo được uy tín trong hơn 70 năm nhưng LHP Cannes vẫn tồn tại những góc khuất tiêu cực gây chấn động showbiz, đặc biệt là trên thảm đỏ được cho là danh giá.
Bắt buộc sao nữ phải đi giày cao gót và cấm dự những người không thực hiện đúng
Thảm đỏ LHP Cannes có một quy định "bất thành văn" đó là tất cả các khách mời nữ đều phải mang giày cao gót dù có mặc trang phục gì đi nữa. Năm 2015, một nhóm sao nữ tuổi trung niên đã bị cấm cửa bên ngoài khu vực thảm đỏ chỉ vì không đi giày cao gót. Sự việc này đã khiến công chúng bức xúc và bất bình vì việc đi giày cao gót có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của phái đẹp. Dù không hề có một quy định hay điều luật nào nói về yêu cầu này, BTC Cannes vẫn không cho phép những sao nữ đi giày bệt tham dự thảm đỏ.
Không thể phủ nhận rằng với những bộ trang phục lộng lẫy và sang chảnh, nếu người mặc càng cao thì tổng thể bộ đồ sẽ càng nổi bật. Tuy nhiên việc BTC ép tất cả sao nữ phải đi giày cao gót kể cả với những người đã lớn tuổi lại khiến khán giả không đồng tình. Thậm chí khi đã lên đồ để dự thảm đỏ, nhiều sao nữ vẫn bị đuổi về chỉ vì không đi giày cao gót.
Để thể hiện sự phản đối với quy định vô lý này, 2 nữ diễn viên Kristen Stewart và Julia Roberts đã can đảm cởi giày ngay trên thảm đỏ. Dù phải đối mặt với nguy cơ không thể đến dự LHP Cannes, 2 mỹ nhân Hollywood vẫn không ngần ngại thể hiện thái độ cứng rắn để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.
82 sao nữ biểu tình ngay trên thảm đỏ LHP Cannes để phản đối phân biệt đối xử
Năm 2018, LHP Cannes đã ghi nhận sự kiện chưa từng có trong lịch sử khi hàng chục sao nữ đã tổ chức một cuộc biểu tình nhằm chống lại sự phân biệt giới tính trong ngành. Nữ diễn viên Kristen Stewart cũng là 1 phần trong đội ngũ biểu tình và chỉ trích BTC vì không lựa chọn những bộ phim có đạo diễn là nữ. Các nữ diễn viên, nhà làm phim khoác tay nhau đi lên trên thảm đỏ và nữ diễn viên Cate Blanchett là người thay mặt dàn sao lên tiếng.
Bài phát biểu ngắn nhưng vô cùng xúc động của dàn sao nữ đã khiến cả thế giới phải đồng cảm. "Chúng tôi là 82 phụ nữ, đại diện cho số lượng những đạo diễn nữ đã leo lên những bậc thang này kể từ lần tổ chức đầu tiên của Liên hoan phim Cannes năm 1946. Trong những năm qua, đã có 1.688 đạo diễn nam từng xuất hiện tại đây. Giải Cành cọ vàng danh giá đã được trao cho 71 đạo diễn nam - con số quá lớn để nhắc tên - nhưng chỉ có duy nhất 2 đạo diễn nữ", nữ diễn viên từng giành được 2 giải Oscar Cate Blanchett dõng dạc tuyên bố.
Rõ ràng, số lượng đạo diễn là nữ so với nam là quá chênh lệch. Từ lâu, việc giải thưởng Cành cọ vàng danh giá hầu hết được trao cho các đạo diễn nam đã trở thành vấn đề nhức nhối nhưng lại ít có người dám phản đối. Mãi đến năm 2018, 82 sao nữ dũng cảm mới có thể mạnh mẽ đứng lên để giành lại sự công bằng cho những người phụ nữ tài giỏi trong ngành.
Gái mại dâm "ăn nên làm ra" mỗi mùa LHP Cannes
Nếu thảm đỏ là nơi nhiều sao nữ tận dụng để tạo dựng mối quan hệ thì "mùa Cannes" cũng chính là vụ bội thu của những cô gái làm nghề mại dâm ở nơi diễn ra liên hoan phim. Tờ THR từng bóc trần sự thật rằng trong 10 ngày tổ chức liên hoan phim, có hàng trăm cô gái "bán hoa" ra vào các khách sạn tại thành phố Cannes. Vì Pháp là nơi khá thoáng với ngành công nghiệp tình dục này vậy nên "tại Cannes, gọi gái điếm còn dễ hơn gọi pizza", tờ The Sun bình luận.
Phỏng vấn một cô gái trong "ngành" giấu tên, cô thừa nhận đã cung cấp dịch vụ "làm bạn gái" với giá 620 đô/giờ (hơn 14 triệu đồng) tại Cannes và chỉ chấp nhận giao dịch với những vị khách ở khách sạn 4 hoặc 5 sao. Vào những ngày đông khách hoặc gặp được khách "sộp", những cô gái này có thể kiếm tới 40 nghìn đô (920 triệu đồng) chỉ trong 1 đêm.
Trả lời báo chí, Cảnh sát trưởng địa phương cho biết họ đã đi tuần hàng đêm trong hơn 4 năm nhưng chẳng thể làm gì. Những cô gái làm nghề mại dâm giờ đây đã không còn đứng bên vệ đường, phần lớn họ đều giao dịch thông qua ứng dụng. Và đến khi những cô gái này ngang nhiên ra vào những khách sạn 4-5 sao, cảnh sát cũng không thể làm gì vì ở Pháp, việc quan hệ tình dục nam nữ trong khách sạn là hợp pháp.
Nhà sản xuất lừng danh với thói dâm dục khó bỏ và cái kết xứng đáng
LHP Cannes đã giữ được hình ảnh và sự trong sạch một cách hoàn hảo cho đến khi bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" giới điện ảnh Harvey Weinstein nổ ra. Trong số 85 nạn nhân tố cáo nhà sản xuất này, có không ít sao nữ từng bị ông làm nhục trong khi tham gia LHP Cannes. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The New Yorker, nữ diễn viên người Ý Asia Argento cáo buộc ông Harvey đã cưỡng hiếp cô trong khuôn khổ diễn ra LHP Cannes 1997.
Tiếp đến, nữ diễn viên Kadian Noble cũng đã gặp gỡ Harvey Weinstein ở sảnh khách để bàn thêm về công việc năm 2014. Kadian rất vui mừng vì được Harvey khen ngợi và giới thiệu những vai diễn khác. Tuy nhiên, ngay trong căn phòng được nhà sản xuất đặt riêng để "bàn công chuyện", Kadian đã bị cưỡng hiếp mà không thể phản kháng. Mãi đến khi phong trào #MeToo trỗi dậy, cô mới dám lên tiếng bóc trần nhà sản xuất vô lại và xấu xa.
Cuối cùng, ông Harvey đã bị bắt và phải hầu tòa sau những tội ác chấn động. Mới đầu, ông bị kết án 140 năm tù nhưng sau đó rút xuống còn 23 năm. Dù vậy, đây chỉ là 1 trường hợp tình cờ bị phanh phui và người đứng sau phải trả giá. Bên cạnh đó, cũng có không ít cô gái tình nguyện tìm đến những căn phòng này để "thử vai" với hi vọng chen chân vào Hollywood hào nhoáng.
Tuy nhiên, điều đáng sợ là ngay từ những năm 1990, một công tố viên tên Jeff Herman đã nhận được nhiều đơn tố cáo của những nữ diễn viên cầu cứu vì bị Harvey Weinstein cưỡng bức tại Cannes.
Trên con đường gập ghềnh đến với Hollywood, nhiều nữ diễn viên đã không ít lần bị những kẻ bề trên lừa gạt để thỏa mãn ham muốn tình dục. Việc đổi tình lấy vai diễn trong ngành đã gây phẫn nộ trong thời gian dài, nhưng đối với nhiều nhà sản xuất, những cuộc casting trong phòng khách sạn dường như đã trở thành thói quen khó bỏ.
Theo Chiz (Pháp Luật & Bạn Đọc)