Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Hà Nội vừa phối hợp với trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh nhà trường.
Theo Công an TP. Hà Nội, những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều dạng ma túy mới, đặc biệt là các dạng ma túy "ngụy trang" dưới vỏ bọc thức ăn, đồ uống ưa thích của giới trẻ như: trà sữa, bánh quy, ma túy dạng nước, ma túy trong thuốc lá điện tử... với những hương liệu, vỏ bọc thu hút đã kích thích sự tò mò và lôi kéo một số bộ phận thanh niên sử dụng. Điều đáng nói, ma túy và các chất gây nghiện xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, len lỏi vào học đường, khiến tỷ lệ người trẻ sử dụng ma túy có xu hướng tăng, gây ra nhiều hệ lụy và để lại những hậu quả vô cùng lớn.
Thiếu tá Ngô Quốc Khánh, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Hà Nội cho biết: "Mục đích các đối tượng pha trộn ma túy trong thực phẩm, thuốc lá là để thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển nhằm hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng là có thể mang ma túy về cất giấu trong nhà mà người thân trong gia đình không phát hiện được.
"Chủ yếu các loại ma túy chúng tôi thu giữ trong thời gian qua là các loại thảo mộc được tẩm ma túy tổng hợp và các loại ma túy dạng dung dịch, sử dụng trong các điếu thuốc lá điện tử. Đối với thảo mộc tẩm ma túy chúng tôi thu giữ được gần 1,2kg, 732ml dung dịch thuốc lá điện tử có chứa ma túy. Ngày xưa khi nhắc đến ma túy phải là chất bột màu trắng, tinh thể, chất nhựa… Nhưng bây giờ ma túy ở trong thuốc lá, trong gói thuốc lào, trong dạng thực phẩm có thể là bánh kẹo, cốc trà sữa, nước dâu, nước xoài… Đặc biệt ma túy bây giờ có thể ăn được và trông như các loại thực phẩm, thuốc lá thông thường”, Thiếu tá Ngô Quốc Khánh thông tin.
Được biết, trong quý 1/2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện 48 vụ, 61 đối tượng, xử lý hình sự 48 đối tượng phạm tội vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá. Ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, tàn phá hệ thần kinh trung ương, gây hoang tưởng cho người dùng. Do đó, cơ quan Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các em học sinh tuyệt đối không được sử dụng dù chỉ thử một lần.
Theo cô Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), việc đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong học đường để bảo vệ thế hệ trẻ là một yêu cầu cấp thiết đặt ra không chỉ của các cơ quan chức năng mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội từ gia đình đến nhà trường, các phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo và các em học sinh.
“Các bậc phụ huynh phải là người đầu tiên quan tâm, giám sát, quản lý, giáo dục để con em mình tuyệt đối tránh xa ma túy, đồng thời phối hợp với nhà trường để kịp thời thông tin, nắm các vụ việc hoặc phát hiện các đối tượng lạ xuất hiện chung quanh khu vực trường học có động thái khả nghi... nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy vào học đường.
Nhà trường luôn phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trang bị kiến thức cho các thầy cô giáo về việc nhận diện sự thay đổi liên tục những hình thức ma túy trá hình, dấu hiệu nhận biết, cách xử lý khi nghi ngờ học sinh sử dụng ma túy”, cô Phạm Thu Hà cho biết.
Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp, liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh để giám sát các em học sinh, vì thời gian ngoài phạm vi quản lý của nhà trường, các em rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo tiếp cận với những loại ma túy "trá hình".
Do dó, nhà trường mong muôn các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian tìm hiểu, nhận thức, nhận diện đúng về ma túy cũng như thường xuyên theo dõi những hình thức ma túy đội lốt, quan tâm, chia sẻ với con cái của họ… để chung tay cùng xã hội đẩy lùi ma túy./.
Theo Hải Bằng (Vov.vn)