Ngày 10/4, Công an quận 1 đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi) để điều tra hành vi Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Chi (27 tuổi) đã đến công an phường Bến Nghé (quận 1) trình báo 2 con gái ở mình mất tích vào 19h tối ngày 3 /4. Ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, chị Chi để con gái 7 và 3 tuổi tự trông nhau để sang đường trả tiền góp.
Trong quá trình điều tra, Vi khai bắt cóc để “nuôi” các cháu nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy mục đích của bị can là quay video mang tính chất khiêu dâm, gửi ra nước ngoài cho những kẻ ấu dâm.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Xuân Tiền Trưởng VPLS Đồng Đội, (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, sự việc xảy ra khiến dư luận hết sức bức xúc, lo lắng.
Ông phân tích, hành vi và phương thức của đối tượng không mới, nhưng giữa chốn đông người, camera được lắp đặt ở khắp nơi mà đối tượng vẫn ngang nhiên bắt cóc 2 cháu thì có thể nói đối tượng đã theo dõi, quan sát rất kỹ, và có tính liều lĩnh, manh động.
Đối tượng có dấu hiệu rất rõ Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 153 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, mức hình phạt cao nhất của khung này lên tới 10 năm tù giam.
Mặt khác, nếu có căn cứ cho rằng đối tượng có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức thì có thể xem xét xử lý về Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự hiện hành.
Đối với trường hợp trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm của người dưới 16 tuổi dưới mọi hình thức thì có thể xem xét xử lý hình sự về Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự hiện hành.
Theo đó, việc sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, đồi trụy tuy không trực tiếp xâm phạm tình dục nhưng xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ, xâm phạm các quyền được pháp luật bảo vệ.
Đồng thời, đây không chỉ là hành vi trái pháp luật mà còn có tính chất cổ xúy cho những việc làm trái đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Đối với tội này, tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả, pháp luật quy định mức hình phạt tù từ 6 tháng, cao nhất lên đến 12 năm. Mặt khác, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ông Tiền cho rằng qua sự việc, các bậc phụ huynh, gia đình cần có trách nhiệm trong việc quản lý trẻ em nhất là chốn đông người, vì tại đây trẻ em dễ bị lạc, bị kẻ xấu trà trộn, cần hết sức chú ý đến nơi đông người để tránh trường hợp bị bắt cóc, lạc....
Đồng thời, tại các địa điểm công cộng, chốn đông người cần có hệ thống camera có người canh gác thường xuyên, phát hiện và xử lý tình huống bất thường kịp thời, nhanh chóng, góp phần bảo đảm sự an toàn, bình an của người dân khi đến nơi công cộng, chỗ đông người.
Ngoài ra, nhà trường, thầy cô giáo và bậc phụ huynh cần dạy trẻ nhận thức, kỹ năng, cách xử lý tình huống khi đến nơi công cộng, đặc biệt cảnh giác trước những thông tin của người lạ.
Theo Song Nam (Phụ Nữ Mới)