Sáng 19/1, HĐXX TAND TP Hòa Bình tiến ùng làm rõ số tiền bồi thường cho các nạn nhân trong vụ chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ngay sau đó, HĐXX xét hỏi các bị cáo để làm rõ hơn về vấn đề sửa chữa hệ thống RO.
Bất ngờ mới nổ ra khi bị cáo Bùi Mạnh Quốc thêm một lần thay đổi lời khai.
Quốc cam kết trước HĐXX đây là lời khai cuối cùng.
"Lời khai của điều dưỡng là sai"
Quốc nói, trước đó điều dưỡng Hậu có khai khi khởi động hệ thống RO đồng hồ có hiển thị chỉ số 8.6. Sáng ngày 29/5, khi Quốc vào phòng xử lý nước vẫn thấy hệ thống làm việc đồng hồ hiển thị 8.6, điều này chứng tỏ chị Hậu có khởi động hệ thống RO lên.
Nếu nước bể hôm đó đầy ít nhất phải chạy trong vòng 30 phút đến 1 giờ 30 mới đủ bù nước. Trong trường hợp hệ thống RO không chạy đồng hồ sẽ không thể hiện chỉ số.
VSK truy hỏi Quốc vì sao các điều dưỡng đều khai sáng nào cũng khởi động hệ thống và đều nhìn vào đồng hồ. Quốc khẳng định lời khai này là sai, không phù hợp với cấu tạo của máy.
"Nếu bể nước đầy điều dưỡng chỉ ấn nút hệ thống tuần hoàn thực hiện quy trình chạy thận. Còn nước RO tự động khi nước trong bể cạn dưới phao bị cáo đặt thì hệ thống RO mới cấp nước bù lại. Đồng hồ chỉ chạy khi bơm cao áp được làm việc sản xuất ra nước RO", bị cáo Quốc nói.
Bị cáo Quốc cho biết khi cho hóa chất vào không thử test hóa chất. Quốc vẫn tiếp tục khẳng định, sau sửa cần phải đợi xét nghiệm AAMI thì hệ thông lọc máy mới có thể chạy thận được.
"Hôm qua, nếu có thời gian bị cáo cũng muốn hỏi PGS.TS Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ hệ thống chạy thận ở Bạch Mai là vệ sinh hệ thống tuần hoàn RO hay màng RO. Nếu vệ sinh hệ thống tuần hoàn RO thì không cần xét nghiệm, sau sửa vẫn chạy thận như bình thường.
Còn một khi đã can thiệp, vệ sinh màng chắc chắn phải dùng xét nghiệm sinh hóa. Bị cáo xác nhận lời khai này của mình ở tòa là chính xác", Quốc nói.
Khi VKS đề cập đến các ý kiến của ông Nguyễn Hữu Dũng, thì Quốc nói có điều muốn hỏi bác sĩ Dũng và bất ngờ tiết lộ từng làm việc với khoa Thận nhân tạo Bạch Mai với bác sĩ Thắng ở khoa này.
Bị cáo Trương Quý Dương: Hóa chất kể cả thuốc mà dùng không đúng thì vẫn chết
HĐXX hỏi bị cáo Trương Quý Dương xét nghiệm AAMI là không cần thiết có đúng hay không? Ông Dương nói, bị cáo luôn đưa ra nguyên tắc "các anh chọn cho tốt nhất để làm". Bị cáo hiểu phòng chuyên môn có thể là phòng Vật tư đưa ra đề xuất làm cái đó. Theo quan điểm của bị cáo đấy là cái tốt nhất.
Đúng sai thế nào bị cáo không chuyên sâu. Hóa chất kể cả thuốc mà dùng không đúng thì vẫn chết. Hóa chất y tế nếu tồn dư vẫn chết. Thuốc tiêm quá liều vẫn chết.
Theo bị cáo Dương, chạy thận là một dạng bệnh lý có tính trì hoãn, không chạy bệnh nhân sẽ rất khó chịu. Có thể chạy chậm thì bệnh nhân khó chịu nhưng không có nghĩa như cấp cứu là trì hoãn 5 hoặc 10 phút là bệnh nhân tử vong...
Trách nhiệm của ông Dương là tổ chức cho hoạt động gồm cơ sở vật chất con người trang thiết bị. Cũng theo ông Dương, bị cáo không dám khẳng định đầy đủ, trừ các yếu tố khách quan thì thơi điểm đó đã đáp ứng được điều kiện cần thiết cho kỹ thuật chạy lọc máu.
Trả lời HĐXX về việc phối kết hợp các khoa phòng với nhau, ông Dương nói: "Dạo này bị cáo trí nhớ không được tốt nên không nhớ rõ. Văn bản cầm tay chỉ việc là không có, tùy các khoa phòng phối hợp với nhau để hoàn thành trách năng nhiệm vụ".
BS Hoàng Công Tình: Chúng tôi đã làm hết khả năng!
Trả lời HĐXX về chức trách, nhiệm vụ của Trưởng phó khoa Hồi sức tích cực (HSTC) của bệnh viện, ông Dương cho biết, về nguyên tắc, về mặt tổ chức thì ban giám đốc quản lý đến phó khoa và điều dưỡng trưởng. Ví dụ trưởng khoa nghỉ một ngày phải báo cáo phó giám đốc bệnh viện.Phó khoa và điều dưỡng trưởng nghỉ 3 ngày phải báo cáo trưởng khoa hoặc phó giám đốc.
Về công tác chuyên môm giao cho Trưởng khoa quyết định. Chỉ có vấn đề vượt quá khả năng thì mới phải báo cáo lãnh đạo bệnh viện. Ban giám đốc bệnh viện không can thiệp công việc của phó khoa.Trưởng khoa phải chịu trách nhiệm chuyên môn trước lãnh đạo bệnh viện. Bị cáo cũng không có quyền vì đã phân công cho trưởng khoa.
HĐXX tiếp tục đặt ra câu hỏi về việc giao cho ông Khiếu vị trí phó giám đốc lẫn trưởng khoa có đảm bảo không? Với nhiều nhiệm vụ như vậy thì có đảm bảo ông Khiếu thực hiện nhiệm vụ như vậy không? Bị cáo Trương Quý Dương trả lời, đối với bị cáo Khiếu thì bị cáo Khiếu vẫn đảm bảo đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ và ông Khiếu là người trong cuộc cũng không từ chối.
Ông Dương cho rằng tiêu chuẩn bổ nhiệm Phó giám đốc thì dễ hơn tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng khoa. Theo ông Dương đến thời điểm ông làm giám đốc thì chưa có ai đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh Trưởng khoa.
Theo ông Dương, vì ông Khiếu có rất nhiều việc nhưng ông Khiếu có nói rằng công việc ở khoa "em đã ủy quyền cho phó khoa". Bị cáo Dương khai đã tìm hiểu và biết như vậy dù không có văn bản chính thức.
Bệnh viện cũng đã dự kiến đào tạo bác sĩ Hoàng Công Tình để kế thừa làm Trưởng khoa năm 2016-2017. Theo ông Dương trả lời, chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng trước thời điểm sự cố là bị cáo.
Đáp lại, bị cáo Hoàng Đình Khiếu có ý kiến với một số lới khai của vị cáo Dương. Về công tác thi đua khen thưởng hồ sơ sẽ lưu ở phòng tổ chức cán bộ và bản gốc sẽ được gửi lên cơ quan cao nhất có quyền quyết định (Sở y tế).
Vị trí việc làm Phó giám đốc kiêm trưởng khoa , bị cáo làm nhiệm vụ 30-40% khoa phòng và giao việc cho phó khoa phụ trách.
Trong phần HDXX hỏi ông Tình với tư cách người có nghĩa vụ liên quan, toà đặt vấn đề trong khi bị cáo Khiếu phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên chỉ ở Khoa 30-40% thời gian, trong khi bị cáo Khiếu vắng mặt đơn nguyên HSCC có người phụ trách, nhưng đơn nguyên TNT thì không
Ông Tình cho biết, ông cũng vừa lo quản lý vừa đi học nên chỉ quán xuyến được công việc của Đơn nguyên HSCC.
Theo toà, đó chính là biểu hiện của việc buông lỏng quản lý và hỏi cá nhân ông Tình có cho rằng mình có trách nhiệm trong sự cố không. Ông Tình khẳng định bản thân ông thấy ông và các nhân viên y tế khác trong khoa đã làm hết khả năng, không phải chịu trách nhiệm gì và chỉ tiếc là không thể cứu chữa cho những nạn nhân xấu số.
Theo Nhóm PV (Soha/Trí Thức Trẻ)