Chiều 11/12, phiên xét xử cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic) trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C, đã kết thúc phần tranh tụng. Trước khi vào nghị án, Toà án cho các bị cáo được nói lời sau cùng. Chủ tọa phiên tòa thông báo, HĐXX sẽ tiến hành tuyên án vào lúc 14h30 ngày 13/12 tới đây.
Đáng chú ý, trong suốt phiên tòa, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có đơn xin xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp nhận.
Trả lời về lý do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa vắng mặt tại phiên xét xử chồng, luật sư Giang Hồng Thanh (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Hoa) cho biết, thời gian trước đó, người thân của bà ở TP.HCM qua đời nên bà phải vào chịu tang. Đến gần phiên tòa bà Hoa đã trở về Hà Nội.
Tuy nhiên, bà Hoa phải thực hiện cách ly để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 nên không thể tham dự phiên tòa.
Về việc bà Hoa liệu có tham gia trong phiên tòa HĐXX tuyên án với chồng và 2 bị cáo liên quan vào ngày 13/12 hay không, luật sư của bà Hoa cho hay, việc này phải căn cứ xem thời điểm đó bà đã kết thúc việc phải cách ly hay chưa.
Trước đó, trong phần trình bày trước HĐXX vào chiều 11/12, luật sư Giang cho hay, công ty Arktic (bị VKS cáo buộc là công ty gia đình của bị cáo Chung) thành lập ngày 2/11/2015 với ngành nghề đăng ký chính là kinh doanh kho lạnh.
Sở dĩ có ngành nghề này bởi lẽ bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa hoạt động siêu thị từ năm 1996 (cụ thể là Công ty TNHH Thương mại Minh Hoa thành lập ngày 23/9/1996).
Do nhu cầu thuê kho lạnh để chứa hàng hóa rất lớn nên bà Hoa đã bàn bạc với ông Đào Xuân Tấn là Giám đốc Công ty TNHH Đức Tấn Sài Gòn chuyên kinh doanh cho thuê kho lạnh (Tiền thân là HTX Đức Tấn Sài Gòn thành lập ngày 18/10/1999) hợp tác kinh doanh kho lạnh, phục vụ nhu cầu của siêu thị Minh Hoa.
Cũng theo luật sư, vào thời điểm đó, Nguyễn Đức Hạnh (con trai ông Chung và bà Hoa khi đó 20 tuổi, đang du học tại Úc), có mong muốn khởi nghiệp tại Việt Nam, do vậy bà Hoa để cho Hạnh kết hợp với ông Tấn kinh doanh kho lạnh. Hạnh đặt tên công ty là Arktic, viết cách điệu của Arctic (Tiếng Anh nghĩa là Bắc Cực – nơi có môi trường lạnh lẽo).
Luật sư cũng cung cấp văn bản, ông Tấn xin địa điểm xây dựng kho lạnh và văn bản của UBND TP Hà Nội giao cho các đơn vị xem xét đề nghị này.
Từ đó, luật sư cho rằng, mục đích ban đầu của Arktic là kinh doanh kho lạnh, không hề liên quan đến hoạt động kinh doanh hóa chất sau này khi Nguyễn Trường Giang mua lại công ty.
Phía luật sư cũng thông tin, sau khi Hạnh trao đổi với bố về kế hoạch kinh doanh của mình thì ông Chung không đồng ý để Hạnh kinh doanh mà yêu cầu tập trung vào việc học tập tại Úc.
Bản thân ông Tấn cũng không muốn làm nữa nên cả Hạnh và ông Tấn nhất trí chuyển Arktic cho người khác. Sau đó, ông Tấn làm thủ tục chuyển 40% cổ phần tại Arktic cho Giang, Hạnh chuyển 20% cổ phần tại Arktic cho Giang và 40% cổ phần tại Arktic cho Hằng.
Đến ngày 26/7/2016, cả ông Tấn và Hạnh đều không còn cổ phần tại Arktic. Ngày 10/8/2016, Arktic bắt đầu ký hợp đồng bán chế phẩm Redoxy-3C cho Công ty thoát nước Hà Nội. Ngày 6/9/2016 Arktic bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh hóa chất.
Vị luật sư này cũng nêu thêm, kết luận điều tra cho rằng, Arktic thu được khoản lợi nhuận hơn 36 tỷ đồng, riêng từ việc bán chế phẩm Redoxy-3C. Còn theo lời khai của Giang, lợi nhuận của Arktic đối với tất cả các mặt hàng là hơn 85 tỷ đồng.
Tuy nhiên gia đình ông Chung không ai được chia lợi tức tương đương với 40% cổ phần trong Arktic mà kết luận điều tra, cáo trạng quy kết là của gia đình ông Chung.
VKS khẳng định Arktic là công ty của gia đình ông Chung
Trong phần đối đáp, đại diện VKS nhấn mạnh, công ty Arktic thực chất là công ty của ông Chung và gia đình. Theo đại diện VKS, ban đầu con trai ông Chung góp 60% vốn, đăng ký lần đầu năm 2015. Sau khi vợ ông Chung ba lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác năm 40%. Song thực tế, cả hai người này đều đứng tên sở hữu cổ phần thay cho bà Hoa - người thành lập Arktic, góp đủ 5 tỷ đồng vốn điều lệ.
Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hoá chất nhưng sau chuyến công tác châu Âu của Giang với UBND Hà Nội, công ty Arktic đã chuẩn bị nhập Redoxy-3C về, lập tức đăng ký thêm danh mục kinh doanh này.
Tất cả các hành vi này, theo đại diện VKS có thể quy kết Arktic thực chất là "công ty gia đình", là đúng.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Trường Giang cũng khai nhận, dù là lãnh đạo của công ty Arktic nhưng mọi hoạt động doanh nghiệp đều phải theo chỉ đạo của vợ chồng ông Nguyễn Đức Chung.
Đại diện VKS nêu rõ, bị cáo Nguyễn Đức Chung với vai trò Chủ tịch UBND TP Hà Nội dùng quyền lực của nhân dân, Đảng, Nhà nước giao cho thì lẽ ra phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân, đất nước. Tuy nhiên, bị cáo đã sử dụng quyền lực của mình thâu tóm, đưa lợi ích về cho công ty gia đình của mình. Cơ quan công tố nhấn mạnh, việc "truy tố bị cáo Nguyễn Đức Chung hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật, không oan".
VH (Nguoiduatin.vn)