Ông Nguyễn Đức Chung được đề nghị lại mức án sau tình tiết nộp 10 tỉ đồng

11/12/2021 20:44:12

Về việc nộp 10 tỉ đồng của gia đình ông Nguyễn Đức Chung, đại diện Viện Kiểm sát thấy đây là tình tiết mới nên đề nghị lại mức án cho cựu Chủ tịch Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung được đề nghị lại mức án sau tình tiết nộp 10 tỉ đồng
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung (giữa). Ảnh: V.D

Trong phần tranh luận tối 11.12, Viện KSND TP.Hà Nội đã có phần đối đáp trước các ý kiến bào chữa của luật sư, tự bào chữa của 3 bị cáo Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Võ Tiến Hùng - cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội; Nguyễn Trường Giang - cựu Giám đốc Công ty Arktic.

Gần cuối phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát bất ngờ đề nghị lại mức án cho ông Nguyễn Đức Chung. "Đề nghị toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 8-10 năm tù tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", đại diện cơ quan công tố nói.

Nguyên do có sự thay đổi về đề nghị mức án này, theo đại diện Viện Kiểm sát, trong buổi bào chữa cho thân chủ, luật sư Nguyễn Văn Tú thông tin gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp 10 tỉ đồng.

Đây là khoản tiền của gia đình bị cáo Chung vừa nộp nhằm bảo lãnh cho trường hợp nếu bị cáo Chung bị Hội đồng xét xử tuyên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án thì sẽ khấu trừ vào số tiền nộp bảo lãnh này, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.

Do đó, với góc độ đánh giá lại toàn diện, đại diện Viện Kiểm sát đề xuất lại mức án với bị cáo Nguyễn Đức Chung.

Cụ thể, trước đó, cơ quan công tố đề nghị mức 10 - 12 năm nhưng căn cứ tình tiết bồi thường đề xuất áp dụng cho bị cáo Chung từ 8 - 10 năm.

Đối với các bị cáo khác, căn cứ các tình tiết giảm nhẹ được luật sư đưa ra, vẫn đề nghị 6- 7 năm với hai bị cáo Hùng và Giang nhưng xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo trong quá trình nghị án.

Về vai trò chủ mưu đứng đầu của ông Nguyễn Đức Chung, đại diện Viện Kiểm sát phân tích, ngoài là Chủ tịch UBND Hà Nội, chủ sở hữu của công ty thoát nước, còn là Trưởng ban chỉ đạo công tác xử lý nước, giữ vai trò cao nhất.

Với các chức vụ trên, ông Chung một mặt tạo điều kiện để Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp cận việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến môi trường; mặt khác chỉ đạo để Giang đi theo các đoàn công tác của thành phố, tham gia các buổi thử nghiệm, dù Giang không có tên trong danh sách do Sở Ngoại vụ đề xuất.

Ngoài các cáo buộc liên quan vai trò chủ mưu, Kiểm sát viên cho rằng, việc gửi giấy mời Tổng Giám đốc Công ty Watch Water sang Việt Nam không hề có trong các văn bản, chương trình làm việc của bất cứ sở, ban, ngành nào của thành phố, không xác định được người gửi.

Theo lời khai của Giang trong giai đoạn điều tra, thư mời do thư ký của ông Chung gửi bằng tiếng Việt cho Giang để Giang sau đó dịch sang tiếng Đức và email cho Giám đốc công ty Watch Water.

Công ty Arktic tiếp tục được Viện Kiểm sát xác định, thực chất là công ty của ông Chung và gia đình, ban đầu con trai ông Chung góp 60% vốn, đăng ký lần đầu năm 2015. Sau khi vợ ông Chung 3 lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác 40%.

Song thực chất, vợ ông Chung là người thành lập Arktic, góp đủ 5 tỉ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên. Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hoá chất nhưng sau chuyến công tác Châu Âu của Giang với UBND Hà Nội, Công ty Arktic đã chuẩn bị nhập Redoxy-3C về, lập tức đăng ký thêm danh mục kinh doanh này.

Ngoài việc làm giả đăng ký kinh doanh, cơ quan điều tra phát hiện công ty gian lận, kê khai man thuế tới 27 tỉ đồng. Tất cả các hành vi này có thể quy kết Arktic thực chất là “công ty gia đình”, được ông Nguyễn Đức Chung “sử dụng quyền lực để thâu tóm, đưa lợi ích về cho công ty gia đình”, công tố viên kết luận.

Các luật sư tiếp tục tranh luận với Viện Kiểm sát.

Nổi bật