Vì sao Phương Nga không được tại ngoại?

27/06/2017 08:00:00

Điều 120 BLTTHS 2003 quy định thời hạn tối đa tạm giam để điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không quá 16 tháng, trong khi bị cáo - hoa hậu Phương Nga đã bị tạm giam hơn hai năm…

Điều 120 BLTTHS 2003 quy định thời hạn tối đa tạm giam để điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không quá 16 tháng, trong khi bị cáo - hoa hậu Phương Nga đã bị tạm giam hơn hai năm…

Vì sao Phương Nga không được tại ngoại?

Dưới đây là ý kiến của ông NGUYỄN CHÂU HOAN, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, về vấn đề này.

Vì sao Phương Nga không được tại ngoại? - ảnh 1

Bị cáo Phương Nga

Theo khoản 2 Điều 88 BLTTHS 2003, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Nếu không thuộc trường hợp nêu trên thì việc tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Vì sao Phương Nga không được tại ngoại? - ảnh 2

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga.

Bị cáo Trương Hồ Phương Nga bị truy tố theo khoản 4 Điều 139 BLHS, khung hình phạt từ 12 năm, 20 năm đến chung thân. Tội phạm thuộc trường hợp này là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điều 8 BLHS.Do đó, đối chiếu với các quy định vừa dẫn trên thì việc tạm giam có thể được áp dụng đối với cô.

Tuy nhiên, hai từ “có thể” ở đây được hiểu là giam cũng được mà không giam cũng được. Tức là nếu bàn theo hướng suy đoán bất lợi cho bị can, bị cáo thì “những trường hợp dẫn trên đều có thể bị tạm giam”. Còn nếu bàn theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo – một nguyên tắc tố tụng đã được ghi nhận thì “những trường hợp kể trên đều có thể không bị tạm giam”.

Tóm lại, đối với các trường hợp mà khoản 1 Điều 88 BLTTHS 2003 nêu thì việc có tạm giam hay không sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định theo ý chí chủ quan của họ.

Điều 120 BLTTHS 2003 quy định thời hạn tối đa tạm giam để điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không quá 16 tháng.

Đối với trường hợp Phương Nga, cô đã bị tạm giam hơn hai năm, đồng thời căn cứ vào diễn biến phiên toà ba ngày qua, tôi cho rằng cơ quan tố tụng nên chăng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với cô thành cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo tôi, việc cho Phương Nga tại ngoại sẽ vừa để đảm bảo việc tạm giam không quá hạn luật định và hạn chế được phần nào thiệt hại do gây oan nếu sau này cơ quan thẩm quyền kết luận rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự cô là không có căn cứ.

Theo NGUYỄN CHÂU HOAN (Pháp Luật TPHCM)
Nguyên thẩm phán TAND Tối cao 

Nổi bật