Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội. Trong vòng 4 năm, nhóm này đã bán ra hàng loạt sản phẩm sữa giả, thu về gần 500 tỷ đồng doanh thu.
Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các đối tượng, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.
Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Các loại sữa trên các thành phần công bố trên sản phẩm như: Chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao đường dây sản xuất sữa giả thu lợi gần 500 tỷ đồng suốt 4 năm không bị phát hiện?
Trao đổi với VTV24, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã chỉ ra 3 lý do chính khiến nhiều dòng sản phẩm sữa giả được phân phối trên diện rộng suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện sai phạm.
Thứ nhất là các doanh nghiệp này đã thực hiện các thủ tục, các giấy tờ kinh doanh đầy đủ, đúng quy định của pháp luật hiện hành để che đậy các hành vi vi phạm pháp luật của sản phẩm mà chỉ có thể phát hiện khi mà đem đi kiểm nghiệm.
Được biết, các đối tượng chủ mưu đã liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 11 công ty với mục đích hợp pháp đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất.
11 công ty trong hệ sinh thái này gồm: Công ty Rance Pharma; Công ty Hacofood Group; Công ty cổ phần Dược quốc tế Group; Công ty cổ phần dược quốc tế Big Four Pharma; Công ty CP dược quốc tế Long Khang Group; Công ty CP dinh dưỡng y học BFF; Công ty cổ phần dược quốc tế Safaco Group; Công ty cổ phần dược quốc tế Darifa Group; Công ty cổ phần dược quốc tế Win CT; Công ty cổ phần dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang; Công ty CP dược Á Châu.
Các công ty này tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm.Việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành của cơ quan chức năng theo quy định tại Bản tự công bố và Bản công bố sản phẩm của Nghị định 15/2018 (Quy định này nhằm gắn trách nhiệm trong tuân thủ các điều kiện đảm bảo ATTP và chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 và điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật ATTP).
Thời gian qua, cơ quan chức năng chưa nhận được bất kì phản ánh nào của người tiêu dùng về sản phẩm nên không thể thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm nên chưa thể phát hiện sản phẩm giả.
Thứ hai là các doanh nghiệp chọn kinh doanh sản phẩm này không phân phối qua hệ thống siêu thị, cửa hàng chính thức hay là chuỗi bán lẻ có kiểm soát từ cơ quan chức năng mà chủ yếu thông qua hình thức bán hàng online, tiếp thị tận nhà hoặc trà trộn vào các hội thảo chuyên ngành, bệnh viện, phòng khám.
Hiện website và Fanpage bán hàng của các công ty thuộc đường dây này đều đã mất truy cập. Tuy nhiên, một vài gian hàng trên sàn thương mại điện tử mang tên bán sữa CilonMum chính hãng vẫn đang bày bán các sản phẩm do Rance Pharma sản xuất.
Chủ một cửa hàng sữa trên đường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tiết lộ với tờ Lao Động rằng nhân viên tiếp thị liên tục đến chào hàng các sản phẩm của Rance Pharma và Hacofood Group nhưng vì không rõ nguồn gốc nên không dám nhập.
Thứ ba là các doanh nghiệp này thuê các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trên mạng để quảng cáo, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Việc bán hàng được thực hiện với các thông tin sai sự thật, thổi phồng, phóng đại tính năng, tác dụng, chất lượng sản phẩm để lôi kéo người tiêu dùng và bán được số lượng hàng rất lớn, thu lời bất chính.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 14/4, bà Lê Thị Hải, nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thừa nhận bà từng hợp tác, tư vấn giới thiệu một số hãng sữa thuộc "hệ sinh thái" của đường dây sữa giả.
Bà Hải giải thích rằng các bác sĩ là người làm chuyên môn, chỉ có thể dựa trên các thành phần dinh dưỡng đã được công bố để đưa ra tư vấn phù hợp. Các thành phần này tốt, thành phần này bổ sung gì... chứ không thể mang sản phẩm đi kiểm nghiệm để xác định - đây là việc của cơ quan chức năng
Ngoài người được giới thiệu là bác sĩ như trên, các công ty sản xuất sữa giả còn mời một số người nổi tiếng, MC trên truyền hình để quảng cáo các loại sữa này.
Một BTV truyền hình nổi tiếng đã xin lỗi sau sự việc quảng cáo sữa giả và cho biết: "Tôi xin nhận lỗi vì để xảy ra sự việc khiến dư luận băn khoăn và một bộ phận khán giả thất vọng. Đây là điều tôi hoàn toàn không mong muốn".
Theo Chi Chi (Nguoiduatin.vn)