Bộ Y tế nói gì về trách nhiệm vụ gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường?

15/04/2025 17:00:18

Liên quan đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả, Bộ Y tế cho biết, doanh nghiệp được trao quyền công bố sản phẩm và phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ cùng chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố.

'Gần như không kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất trong sữa'

Trong gần 600 loại sữa giả của Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood và Dược quốc tế Rance Pharma, có nhiều sản phẩm được ghi nhãn là sản phẩm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt như sữa Sure IQ Gludiabet, sữa Sure IQ sure gold, hay sản phẩm dinh dưỡng như Sữa Kid baby talacmum (cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi), IQ Grow Talacmum dành cho trẻ từ 1-15 tuổi, Gain Talacmum…; thực phẩm bổ sung Talacmum for mum…

Bộ Y tế nói gì về trách nhiệm vụ gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường?

Bộ Y tế nói gì về trách nhiệm vụ gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường? - 1
Hai loại sữa nhãn Talacmum được công bố ghi nhãn là thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng công thức. Ảnh cắt từ clip

Theo cơ quan Công an, thành phần một số loại sữa được công bố là chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột quả óc chó, song trên thực tế không hề có những chất này.

Để đánh lừa người dùng, các công ty trên đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia khác. Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố - đủ căn cứ xác định là hàng giả.

Bộ Y tế lý giải thích vì sao trao quyền công bố sản phẩm cho doanh nghiệp

Liên quan thông tin đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả trên, nhiều người dân quan tâm đến việc tại sao có thể xảy ra việc "công bố một đằng, sản xuất một nẻo" với số lượng lớn, doanh thu lên tới 500 tỷ đồng? Trách nhiệm quản lý của các cơ quan ra sao khi để các sản phẩm bị làm giả được đưa ra thị trường trong 4 năm qua mà không được kiểm soát chất lượng sau khi đóng gói?

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 15/4 cho biết, việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018 của Chính phủ.

Theo đó, đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Theo quy định của Nghị định 15, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…

Trong hồ sơ đăng ký bản công bố, cần có phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố…

Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy định của Nghị định 15, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi”.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh việc trao quyền công bố sản phẩm cho các doanh nghiệp để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đơn vị này lưu ý rằng: Khi công bố doanh nghiệp phải "cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố".

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, quy định này nhằm gắn trách nhiệm trong tuân thủ các điều kiện đảm bảo ATTP và chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

Bộ Y tế nhìn nhận chính sách tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm là "chính sách tiên tiến", tiệm cận với phương thức quản lý thực phẩm của các nước phát triển trên thế giới. 

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng dẫn nội dung trong Nghị định 15 quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc quản lý các nhóm thực phẩm cụ thể và trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Trong đó, UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ATTP tại địa phương; tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về ATTP theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.

Liên quan đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả, Bộ Y tế cho biết tiếp tục phối hợp với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn để Bộ Công an có căn cứ xử lý đúng pháp luật, truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Võ Thu (VietNamNet)