Hàng hóa gồm đủ loại như: phụ tùng ôtô, xe máy, sữa tắm, linh kiện máy may, quần áo, vải vóc… do Trung Quốc và Thái Lan sản xuất. Số hàng hóa được đóng trong các bao tải, thùng giấy, kiện gỗ, giấu lẫn trong đó là 6 chiếc xe máy Honda SH, Honda PS không biển số, không giấy tờ.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vận chuyển theo đường sắt tại Đồng Nai (ảnh: Báo CAND) |
Theo quy định của ngành đường sắt, khi nhận vận chuyển xe máy, người gửi phải xuất trình được chứng minh thư, kèm theo đó xe máy phải có biển số và đăng ký xe phô tô.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Thắng - Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Hà Nội, thuộc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - cho biết, đơn vị này đã ra văn bản đình chỉ 6 nhân viên phục vụ trên chuyến tàu nói trên, thời gian đình chỉ từ ngày 22/6 đến 24/6.
“Các nhân viên này sẽ phải giải trình, báo cáo về việc thực hiện quy trình khi làm nhiệm vụ và làm rõ trách nhiệm” - ông Thăng nhấn mạnh.
Được biết, sau sự cố sập cầu Ghềnh, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng các chuyến tàu Bắc - Nam dừng lại tại ga cuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để tăng cường hoạt động. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, Công an tỉnh Đồng Nai và Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu - Bộ Công an đã phát hiện 2 vụ với số lượng lớn, giá trị hàng hóa lên tới hàng chục tỷ đồng tại ga Hố Nai và TP Biên Hòa.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)