Tham gia góp ý thảo luận về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tại hội trường Quốc hội sáng 16/5, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung nội dung tăng cường áp dụng biện pháp cho tại ngoại trong tố tụng hình sự. Chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam.
Ông Đồng cho hay trên thực tế, rất nhiều vụ án nếu cho doanh nhân tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh. Việc tạm giữ, tạm giam kéo dài đối với doanh nhân nhiều khi chỉ giải quyết được một vụ án nhỏ nhưng lại khiến cả một doanh nghiệp lớn lâm vào khó khăn, mất sức cạnh tranh với quốc tế.
Cũng liên quan đến vấn đề sai phạm của doanh nghiệp, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn BĐQH TP Cần Thơ cho rằng cần có quy định giới hạn thời gian cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả để tránh vụ việc kéo dài.
Với quy định đối với quy định doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục thiệt hại; trường hợp áp dụng quy định pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự, ông Nghĩa lo ngại nếu không có thời hạn cụ thể thì có thể bỏ lọt các trường hợp vi phạm mang tính chất nghiêm trọng như gian lận, trốn thuế quy mô lớn. Ngoài ra, việc ưu tiên khắc phục hậu quả cũng làm giảm tính răn đe của pháp luật.
Một điểm nóng khác trong dự thảo là việc phân biệt tài sản hợp pháp và tài sản có được từ vi phạm. Khoản 8 Điều 5 quy định về tài sản hình thành hợp pháp với tài sản thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án. Đại biểu Đào Chí Nghĩa chỉ ra rằng đây là công việc vô cùng phức tạp, nhất là trong các vụ án kinh tế lớn. Do đó, ông kiến nghị cần ban hành tiêu chí cụ thể, tăng cường năng lực cho cơ quan tố tụng và có cơ chế giám sát tạm thời tài sản trong quá trình điều tra để ngăn chặn tẩu tán nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.
Bên cạnh các vấn đề về tố tụng và tài sản, nút thắt trong giải quyết tranh chấp thương mại cũng là điểm nghẽn lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Để tháo gỡ, nhiều đại biểu đề xuất những cơ chế linh hoạt và nhanh chóng hơn.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng trong quan hệ kinh tế thị trường, chắc chắn không tránh khỏi những tranh chấp. Cơ chế hoà giải thương mại, trọng tài thương mại, toà án thương mại giải quyết các tranh chấp cần phải được đưa vào dự thảo, có như vậy mới tạo được môi trường thông thoáng. Đại biểu Thân kiến nghị, khi phát sinh tranh chấp, hòa giải phải được đặt lên hàng đầu. Sau khi hoà giải không thành thì khởi kiện ra toà án hoặc trọng tài thương mại. Những cơ chế về trọng tài thương mại cũng nên được đưa vào dự thảo.
Liên quan đến quy định tại khoản 3, Điều 4 yêu cầu xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để gây khó cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) đề xuất mức độ cao hơn, đó là “nghiêm cấm” hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra nhằm gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng bổ sung, quá trình thanh tra, kiểm tra không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy tờ do cơ quan nhà nước đã cấp hoặc đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Doanh nghiệp cũng có quyền viện dẫn các trường hợp tương tự đã có kết luận để bảo vệ mình, buộc cơ quan nhà nước phải giải thích rõ lý do nếu quyết định khác nhằm tránh tùy tiện.
HL (SHTT)