Video: Ông Thăng khai lý do góp vốn vào Oceanbank
Sáng nay, ngay sau khi VKS đọc bản luận tội đề nghị mức án 18-19 năm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 164 Bộ luật Hình sự 1999), ông Đinh La Thăng là người đầu tiên tự bào chữa. Ông bị VKS nhận định người đứng đầu vụ án, có vai trò chỉ đạo nhưng lại ‘che giấu, né tránh, bao biện’.
Theo cáo buộc, ông Thăng quyết định việc góp 800 tỷ vốn của PVN trong khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank; ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Ông cũng không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Hậu quả, 800 tỷ đồng của PVN bị mất khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.
Cơ quan tố tụng kết luận ông Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện. Với tư cách là người đứng đầu PVN, ông có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN vì thế phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng góp vào Oceanbank.
Mặc áo sơ mi sáng màu, quần tây tối màu, ông Thăng đứng trước bục trình bào chữa với tập văn bản dày cầm trên tay. Ông nói đã chăm chú lắng nghe khi VKS luận tội và ông tôn trọng quan điểm luận tội.
Ông bào chữa rằng việc góp vốn không phải là chủ trương ban đầu của PVN mà để là để giải quyết hệ lụy đề án thành lập ngân hàng Hồng Việt (PVN có quyền nắm giữ cổ phần). PVN đã đàm phán với nhiều ngân hàng đều thất bại vì không đáp ứng được yêu cầu như nêu giá cao hay không chấp nhận tiếp nhận cơ sở vật chất Hồng Việt. Duy nhất, Oceanbank đồng ý.
Về việc ký thỏa thuận, ông Thăng khẳng định HĐQT PVN đã biết chủ trương từ trước, đã bàn bạc. Ngày 30/9/2011 đã báo cáo HĐQT, thỏa thuận góp vốn trước đó với Oceanbank chỉ là căn cứ để báo cáo.
Nhắc đi nhắc lại không có hành vi ‘che giấu hay né tránh’ như quy kết của VKS, ông Thăng cho hay với tư cách Chủ tịch HĐQ, ông không phải báo cáo ai khi chỉ ký thỏa thuận.heo ông, pháp luật quy định chỉ có Nghị quyết mới phải thông qua HĐQT.
Nói chậm, bình tĩnh, ông Thăng vẫn cho rằng việc góp vốn đã được Chính phủ đồng ý chủ trương từ trước bằng văn bản. “Việc đầu tư vào Oceanbank của PVN đã đáp ứng đủ điều kiện cần và đủ là có sự đồng ý của Thủ tướng và đồng thuận của HĐQT. Chỉ khi Thủ tướng đồng ý thì PVN mới đầu tư", ông bào chữa. Cho rằng những điều trình bày trên không phải là "chối tội”, ông Thăng đọc tập văn bản cầm trên tay khi đối đáp với những cáo buộc của cơ quan công tố.
Về "nhắc nhở" của Bộ Tài chính trước việc góp vốn, ông Thăng vẫn cho rằng đó chỉ là công văn trả lời Thủ tướng và "hoàn toàn không có yêu cầu nào PVN phải báo cáo". Đối với lần góp vốn thứ ba, ông Thăng vẫn cho rằng khi đó ông đi công tác. Ông ủy quyền cho cấp dưới điều hành chứ không phải ủy quyền ban hành nghị quyết hay biểu quyết.
Trước đó, trong phần luận tội, VKS xác định ông Thăng có thẩm quyền cao nhất tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), có nhiệm vụ bảo toàn nguồn vốn của tập đoàn này. Ông Thăng biết rõ hành vi phạm tội của mình và còn che giấu.
Theo cơ quan công tố, lời khai của ông Thăng trước tòa về việc được Thủ tướng đồng ý về các lần góp vốn là "không khách quan, né tránh, bao biện, làm trước báo cáo sau". Chính phủ, Bộ Tài chính đều có văn bản nhắc nhở chứ không phải chỉ "khuyến cáo" như bị cáo trình bày tại tòa. Đặc biệt ở lần góp vốn thứ 3, biết rõ trái luật, cổ phần vượt quá chuẩn cho phép, theo VKS, lẽ ra phải chỉ đạo PVN thoái vốn nhưng ông Thăng cố tình không thực hiện mà còn cử người làm đại diện phần vốn góp 20% vào Oceanbank. Việc ông Thăng khai tại tòa rằng không biết gì về lần góp vốn thứ ba, VKS đánh giá là "sự chối bỏ trách nhiệm".
VKS đánh giá, ông Thăng sau khi phạm tội không ăn năn hối cải mà cố tình che giấu. Ông còn phạm tội ở vụ án khác vì thế cần có mức hình phạt nghiêm khắc.
Liên quan vụ án, sáu người khác bị VKS đề nghị mức án như sau. Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN) 30-36 tháng, Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN) 7-8 năm, Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng, Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng cải tạo không giam giữ, Vũ Khánh Trường (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 7-8 năm, Phan Đình Đức (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng cải tạo không giam giữ. Các bị cáo cùng bị truy cứu trách nhiệm về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng ông Quỳnh bị truy cứu thêm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999) và bị đề nghị mức án 17-18 năm.
Theo Bảo Hà (VnExpress.net)