Sáng nay (21.3) phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ PVN góp vốn và mất 800 tỷ đồng tại OceanBank tiếp tục với phần các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo, các bên liên quan.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đinh La Thăng cho hay, việc thoái vốn của PVN khỏi OceanBank đã có chỉ đạo từ tháng 3.2011. Cũng vào thời điểm đó có 2 đơn vị, một của Việt Nam, một của Singapore đề nghị mua lại 20% cổ phần. Vấn đề này lúc đầu được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng sau đó 13 ngày lại không đồng ý.
“Việc mất vốn của PVN sau khi OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng là trách nhiệm của người ký không cho phép 2 đơn vị kia mua cổ phần, thoái vốn. Việc mất vốn này không thuộc trách nhiệm của PVN bởi PVN đã báo cáo, tìm được đối tác, việc thoái vốn cũng được OceanBank đồng ý và đối tác cũng đồng ý mua với mức tối thiểu là bằng mệnh giá”, bị cáo Thăng trình bày.
Bị cáo Thăng nói thêm, việc không cho PVN thoái vốn xuất phát từ đề nghị của Ngân hàng Nhà nước với Chính phủ giữ lại phần cổ phần của PVN tại OceanBank và Phó Thủ tướng đồng ý dừng lại.
“Nhưng sau đó, chính Ngân hàng Nhà nước lại ra quyết định mua 0 đồng đối với Oceanbank.”, bị cáo Thăng nói.
Cũng liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước mua OceanBank với giá 0 đồng, luật sư cũng đặt câu hỏi với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank (tư cách nhân chứng trong vụ án). Hà Văn Thắm cho biết, có hai báo cáo kiểm toán của cơ quan kiểm toán. Một báo cáo theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và chỉ có giá trị đối với Ngân hàng Nhà nước, một báo cáo phát cho các cổ đông theo yêu cầu của OceanBank.
“Tôi nghĩ rằng việc Ngân hàng Nhà nước dùng báo cáo kiểm toán đó để mua 0 đồng với OceanBank là sai”, Hà Văn Thắm nói.
Cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank này xin Hội đồng xét xử cho thêm 2 phút để trình bày rõ hơn. Ông nói: Cứ cho việc mua 0 đồng là đúng, tôi xin mạnh dạn đề xuất với Hội đồng xét xử cho phép các cổ đông, trong đó có PVN, được nhận lại những phần Ngân hàng Nhà nước và kiểm toán đánh giá bằng 0 đó để chúng tôi đem bán để bù cho phần thiệt hại”.
Theo Hà Văn Thắm, báo cáo kiểm toán kết luận OceanBank có 14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, được đánh giá bằng 0.
“Tôi xin Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho tôi vài ngày, tôi sẽ làm xong trước khi phiên tòa này kết thúc. Tôi bảo đảm sẽ trình với Hội đồng xét xử những tài sản đánh giá bằng 0 đó, chúng tôi sẽ đem đi bán và bảo đảm không chỉ trả 800 tỷ cho PVN và 3.200 tỉ cho các cổ đông còn lại và khoản khác… cũng đủ”, Hà Văn Thắm nhấn mạnh.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cáo nhận xét: Hành vi của ông Đinh La Thăng đã làm trái khoản 4, Điều 16 (Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT), khoản 1, Điều 20 (Chế độ làm việc của HĐQT), Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN được ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-TTg ngày 14.3.2007 của Thủ tướng Chính phủ; trái khoản 3, Điều 27 (Quyền hạn của HĐQT) Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 05.9.2007 của Chính phủ quy định “trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và xây dựng, đầu tư ra ngoài Công ty mẹ…”; trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3780/VPCP-ĐMDN ngày 06.6.2008 của Văn phòng Chính phủ và trái khoản 2, Điều 55, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…” dẫn đến hậu quả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện và với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào OceanBank.
Theo Lương Kết (Dân Việt)