17h30 ngày 21/3, trước khi kết thúc phần thẩm vấn ngày thứ ba xét xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm, VKS hỏi hai thuộc cấp cũ của ông Thăng về việc xác nhận giả giúp ông hợp thức hoá văn bản.
Theo hồ sơ vụ án, trong lần gặp đầu tiên với cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm vào cuối năm 2008, ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí - PVN) đã quyết định góp vốn vào ngân hàng này mà chưa hỏi ý kiến của các thành viên HĐQT/HĐTV. Sau khi thỏa thuận góp vốn đã ký, các thành viên này mới được thông báo.
Lúc đầu ông Thăng khai với cơ quan điều tra, trước khi ký thỏa thuận góp vốn với ông Hà Văn Thắm đã trao đổi nhiều lần với các ông bà trong HĐQT mà trực tiếp là ông Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh và bà Phan Thị Hòa. Điều này được thể hiện trên Giấy xác nhận ngày 28/3/2017.
Ông Thăng đã cung cấp cho cơ quan điều tra để giải trình nội dung này. Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố, ông Thăng đã khai lại. Theo đó, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào làm việc tại PVN, ông đang là Bí thư Thành ủy TP HCM. Để có tài liệu xác nhận việc đã trao đổi xin ý kiến thống nhất trong HĐQT trước khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn với ông Thắm, ông Thăng điện thoại nhờ các ông bà trên xác nhận việc mình đã bàn bạc, thống nhất trong HĐQT về chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank.
Sau đó, ông Thăng nhờ bà Bùi Thị Nguyệt, trước đây là thành viên ban kiểm soát nay là Trưởng ban tổ chức nhân sự PVN đến trực tiếp xin chữ ký xác nhận vào Giấy xác nhận ngày 28/3/2017 cho mình.
Chiều nay, khi VKS hỏi, bà Phan Thị Hòa và ông Hoàng Xuân Hùng đều khai có ký vào giấy xác nhận ngày 28/3/2017 theo lời nhờ vả của ông Thăng.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều xin ‘nợ’ câu trả lời
Cũng trong chiều nay, phiên xử dành phần lớn thời gian để các luật sư hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Luật sư Phan Trung Hoài đặt tới 11 câu hỏi cho hai người đại diện của Ngân hàng Nhà nước như: việc đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vào ngân hàng được quy định như thế nào? Vai trò giám sát Oceanbank của ngân hàng nhà nước như thế nào? Việc góp vốn của PVN vào Oceanbank ngân hàng nhà nước có ý kiến, đánh giá thế nào? Ngân hàng Nhà nước có cảnh báo nào về việc PVN vượt quá sở hữu cổ phần không?...
Tuy nhiên, hai người đại diện chỉ trả lời ít câu, số còn lại xin được ‘khất’ hoặc từ chối trả lời.
Trước câu hỏi của luật sư: "Vì sao Thủ tướng đã đồng ý cho thoái vốn sau đó PVN lại dừng?". Đại diện Ngân hàng Nhà nước từ chối trả lời.
"Ngân hàng Nhà nước có ý kiến thế nào về kiến nghị xem xét về việc mua 0 đồng với Ngân hàng Đại Dương của TAND Hà Nội?", luật sư hỏi. Người đại diện này cho biết Chính phủ đã có thông báo với TAND Tối cao rằng việc mua Oceanbank với giá 0 đồng là "có cơ sở pháp lý".
Đại diện Bộ Tài chính sau nhiều ngày vắng mặt, hôm nay đã tới toà. Tuy nhiên ông nói được giao nhiệm vụ trực tiếp công bố toàn bộ hai công văn về việc góp vốn của PVN vào Oceanbank. Còn các câu hỏi của luật sư và những người khác tại toà, ông sẽ "tiếp thu" và trả lời sau.
Người đại diện của Bộ Tài chính chỉ khẳng định PVN có đủ thẩm quyền đầu tư góp vốn vào Oceanbank. Về việc Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank với giá 0 đồng, đại diện Bộ Tài chính cho hay "chưa có thông tin trả lời".
Khi luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp nối luật sư Hoài đặt một số câu hỏi, vị đại diện nói cần có thời gian chuẩn bị câu trả lời. Thấy luật sư chưa dừng hỏi, người đại diện bức xúc, liên tục vung tay và nói: "Xin luật sư không ráp nối các vấn đề với nhau, phải có cơ sở, hồ sơ mới có thể trả lời". Trước nhiều câu hỏi khác, ông đề nghị luật sư chuyển văn bản để "tiết kiệm thời gian cho HĐXX và chúng tôi".
Điều tra viên của vụ án chiều nay cũng bị luật sư truy vấn vì sao hai biên bản khai báo của nhân chứng vào hai ngày khác nhau lại giống nhau tới từng dấu chấm. Điều tra viên trả lời: Cơ quan điều tra đã làm đúng quy định.