Sau hai ngày TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và hai đồng phạm là Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic- viết tắt là Công ty Arktic) và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội- viết tắt là Công ty Thoát nước Hà Nội) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ mua chế phẩm Redoxy 3C, tối 11/12, HĐXX cho biết phiên toà nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều 13/12. Dưới đây là một số điểm nhấn trong phiên toà này.
Hai ngày liên tiếp xét xử từ 8h sáng đến hơn 20h
Phiên toà bắt đầu diễn ra từ 8h sáng 10/12. Nhưng từ 7h, hai bị cáo Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng đã được lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam áp giải đến phiên toà. Bị cáo Nguyễn Đức Chung được áp giải đến muộn hơn 15 phút so với hai bị cáo Giang và Hùng.
Đúng 8h, phiên toà bắt đầu diễn ra và HĐXX làm việc liên tục đến 12h mới nghỉ trưa. Buổi chiều, phiên toà bắt đầu từ 13h30’ và cũng diễn ra liên tục đến hơn 20h mới nghỉ.
Ngày xét xử thứ hai, thời gian xét xử buổi sáng và buổi chiều cũng y như ngày đầu. Các phóng viên theo dõi phiên toà xét xử vụ án này cũng “bám trụ” đến cuối mỗi ngày xét xử để có thể ghi nhận được đầy đủ các thông tin diễn ra tại phiên toà.
Các bị cáo được thoải mái thời gian trình bày trước toà
Trong suốt hay ngày diễn ra phiên toà, HĐXX không hạn chế mà để các bị cáo được thoải mái thời gian trả lời những câu hỏi của HĐXX, câu hỏi của đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà, và câu hỏi của các luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người liên quan đến vụ án. Ngoài ra, các bị cáo cũng được HĐXX cho thời gian để trình bày thêm những vấn đề liên quan đến vụ án, hoặc trình bày về mối quan hệ của các bị cáo trước khi xảy ra vụ án.
Trong suốt hai ngày xét xử, bị cáo Nguyễn Trường Giang và bị cáo Võ Tiến Hùng đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cáo trạng của Viện KSND tối cao đã xác định.
Bị cáo Võ Tiến Hùng khai nhận, liên quan đến việc Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Hãng Watch Water (Cộng hoà liên bang Đức) qua trung gian là Công ty Arktic (công ty gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung) là thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung. Chính từ việc mua bán qua trung gian là Công ty Arktic mà Công ty Thoát nước Hà Nội (đại diện cho Nhà nước) đã bị thiệt hại số tiền hơn 31 tỷ đồng. Bị cáo Võ Tiến Hùng khẳng định, mình không được hưởng lợi gì từ việc mua bán này và cơ quan tố tụng cũng xác định, bị cáo Hùng không được hưởng lợi.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang cũng khai nhận, những việc bị cáo thực hiện liên quan đến việc mua bán chế phẩm Redoxy 3C hoàn toàn do chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Lời khai nhận của bị cáo Giang hoàn toàn phù hợp với kết quả điều tra. Theo đó, Công ty Arktic có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, do Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác nắm 40% cổ phần. Tuy nhiên, cả hai người này đều đứng tên sở hữu cổ phần thay bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung). Và theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic được độc quyền phân phối chế phẩm Redoxy.
Từ năm 2016 đến 2019, Công ty Arktic đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm Rydoxy 3C làm sạch nước cho Công ty Thoát nước Hà Nội. Công ty Arktic mua lượng chế phẩm này từ Hãng Watch Water với giá 115 tỷ đồng sau đó bán lại với giá 151 tỷ, hưởng lợi hơn 31 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung “băn khoăn” về việc phạm tội, nhưng gia đình tự nguyện nộp 10 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án
Trong suốt hai ngày diễn ra phiên toà, bị cáo Nguyễn Đức Chung nhiều lần trình bày đi trình bày lại 15 vấn đề mà bị cáo thấy “băn khoăn”, “không đúng” và cho rằng, mình bị kết tội oan.
Ngoài việc bị cáo Nguyễn Đức Chung trả lời các câu hỏi của HĐXX, câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà, câu hỏi của các luật sư bào chữa và luật sư bảo vệ cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Chung cũng trình bày nhiều nhất về các vấn đề liên quan đến vụ án. Thời gian bị cáo Nguyễn Đức Chung khai báo và trình bày trước toà có lẽ chiếm đến gần ½ thời gian diễn ra phiên toà.
Tổng hợp lại những vấn đề bị cáo Nguyễn Đức Chung trình bày cho thấy, bị cáo không thừa nhận mình phạm tội như cáo trạng nêu và đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo.
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Đức Chung trên cơ sở pháp luật. Cơ quan tố tụng nêu rõ các điều, khoản của từng luật mà bị cáo Nguyễn Đức Chung đã sai phạm.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã vi phạm quy trình xử lý nước ô nhiễm nước hồ theo đề án trước đây quy định phải thử nghiệm 12 tháng và chưa có cơ quan thẩm quyền đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm Redoxy 3C; vi phạm Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương; vi phạm khoản 4, Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Điều luật quy định: Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp); vi phạm khoản 4, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2015 (Điều luật quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp).
Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung mức án từ 10-12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Nhưng sau đó, luật sư bảo chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung đã bổ sung thêm tài liệu mới tại phiên tòa là phiếu nộp tiền của gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung nộp số tiền 10 tỷ đồng cho Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Đây là khoản tiền của gia đình bị cáo Chung vừa nộp nhằm bảo lãnh cho trường hợp nếu bị cáo Nguyễn Đức Chung bị HĐXX tuyên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án thì sẽ khấu trừ vào số tiền nộp bảo lãnh này, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật. Cũng vì lý do trên mà trong quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã thay đổi mức án đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung từ 10-12 năm tù xuống còn từ 8-10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Đức Chung “Tha thiết mong muốn HĐXX xem xét thấu tình đạt lý”
Sau khi kết thúc phần tranh luận, tối 11/12, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi phiên toà nghị án kéo dài.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Đức Chung mong muốn HĐXX và đại diện Viện kiểm sát lấy tranh luận tại phiên toà để xem xét hành vi phạm tội của các bị cáo có hay không có, phạm tội mức độ nào.
“Trong thời gian công tác, khi đương nhiệm, thời điểm 2016 mới được điều động lên giữ trọng trách thành phố, tôi mong muốn cống hiến cho Thủ đô, chứ không bao giờ tôi suy nghĩ tư lợi, đem về cho gia đình, làm hại cho Nhà nước. Điều này thể hiện trong kết quả báo cáo kinh tế, báo chí thể hiện. Đầu tư nước ngoài trong 4 năm hơn 2,8 tỉ USD, cao hơn 45 năm, trong đó có đóng góp của ngành môi trường. Bị cáo tin tưởng người dân ở ven hồ phản ánh gián tiếp, trực tiếp điều này”, bị cáo Nguyễn Đức Chung trải lòng.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung cũng nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân. Từ quá trình điều tra, bị cáo chưa bao giờ từ bỏ trách nhiệm cá nhân. Bởi dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng liên đới tới việc xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.
“Kết quả chúng tôi làm công khai, minh bạch. Chẳng lẽ những việc công khai minh bạch như vậy mà tôi có đủ gan dạ, đủ mưu trí, đủ độ trơ đến mức để âm mưu vụ lợi, đưa ra công khai để mọi người giám sát như vậy hay không. Tôi tha thiết mong muốn HĐXX xem xét thấu tình, đạt lý trong việc này cũng như nội dung tôi đã nêu trong kiến nghị, khiếu nại”, bị cáo Nguyễn Đức Chung trình bày.
Trước khi dừng lời, bị cáo Nguyễn Đức Chung xúc động khi nói đến việc có bố già đã 85 tuổi, còn bản thân bị cáo mắc bệnh ung thư, và không biết có về được đến nhà đưa bố mẹ đi “ma” hay không.
Nói lời sau cùng, bị cáo Võ Tiến Hùng cho biết, bị cáo không có động cơ vụ lợi, không có động cơ nào khác, tất cả việc làm vì lợi ích tập thể, với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà thành phố Hà Nội giao cho mà trong nhiều năm chưa thực hiện được.
Bị cáo Võ Tiến Hùng khẳng định, trong quá trình làm việc, bị cáo luôn đặt sức khỏe người lao động lên hàng đầu. Do đó, mong muốn áp dụng công nghệ mới để bảo vệ môi trường cho Thủ đô, bảo vệ sức khỏe người lao động.
Bị cáo Võ Tiến Hùng mong HĐXX xem xét, bởi bản thân là người có vị trí sau cùng trong vụ án, với vai trò sau cùng và quá trình làm việc đã tuyệt đối tuân thủ các quy định và hướng dẫn liên quan. “Mong HĐXX đánh giá động cơ, mục đích của bị cáo, qua đây bị cáo xin chịu trách nhiệm trước mọi người, từ UBND TP Hà Nội đến các Sở, ngành, các cá nhân liên quan. Mong muốn HĐXX xem xét trong quá trình điều tra, bị cáo đã phối hợp tích cực với cơ quan điều tra, với động cơ không vụ lợi”, bị cáo Võ Tiến Hùng kết thúc phần trình bày.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Trường Giang cho biết, thực sự bị cáo sốc khi vướng vào vụ án này. Trong suốt quá trình điều tra, bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và mong HĐXX xem xét công minh cho bị cáo.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, Chủ toạ phiên toà Trần Nam Hà thông báo, vào lúc 14h30’ ngày 13/12, HĐXX sẽ tuyên án đối với các bị cáo.
Theo Nguyễn Hưng (CAND Online)