UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về việc tổ chức điều tra hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản của hộ ông Phạm Quốc Anh tại thửa đất số 227, 220, 217, tờ bản đồ số 41, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.
Cụ thể, UBND TP Đà Lạt giao Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương tổ chức triển khai thực hiện quy trình kê khai, nộp thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của ông Phạm Quốc Anh đảm bảo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” theo quy định.
Đồng thời, cung cấp tất cả các hồ sơ có liên quan đến quá trình giao dịch chuyển nhượng bất động sản của ông Phạm Quốc Anh sang Công an TP Đà Lạt để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
UBND TP Đà Lạt cũng giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Xuân Thọ, trên cơ sở hồ sơ do Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương cung cấp tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, đúng quy định đối với ông Phạm Quốc Anh nếu có vi phạm pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Các cơ quan chức năng phải hoàn tất việc điều tra, xác minh, báo cáo kết quả cho UBND TP Đà Lạt trong tháng 12/2022.
Được biết trước đó, ngày 18/11, Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương nhận được phiếu chuyển thông tin địa chính của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Lạt về việc xác định nghĩa vụ tài chính liên quan vụ mua bán đất của bên chuyển nhượng là ông Phạm Quốc Anh và bên nhận chuyển nhượng là ông Đ.N.Q (48 tuổi, ngụ xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt).
Địa chỉ thửa đất chuyển nhượng số 227, 220, 217, tờ bản đồ số 41, xã Xuân Thọ. Vị trí theo bảng giá đất là vị trí 2; diện tích 11.800,5m2, đất trồng cây lâu năm. Hợp đồng chuyển nhượng ngày 16/11 thể hiện giá chuyển nhượng 7,84 tỷ đồng (bình quân khoảng 664.000 đồng/m2).
Trong khi đó, gần 2 tháng trước (ngày 21/9), thửa đất này được một công ty ở Bình Thuận do ông L.T.K làm tổng giám đốc, đã chuyển nhượng sang cho ông Phạm Quốc Anh với giá lên tới 20,8 tỷ đồng. Vì thấy có dấu hiệu bất thường nên Chi cục thuế báo cáo vụ việc với UBND TP Đà Lạt.
Trước đó, hồi tháng 6/2022, Cục thuế tỉnh Lâm Đồng đã có cảnh báo về thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo Cục thuế tỉnh Lâm Đồng, một số hành vi vi phạm về thuế như: Giá chuyển nhượng trên hợp đồng mua, bán thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế giao dịch trên thị trường nhằm giảm nghĩa vụ thuế, phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước; ủy quyền quản lý bất động sản không phát sinh thù lao, người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản nhưng người được ủy quyền không kê khai nộp thuế vào ngân sách Nhà nước theo quy định; các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện ký hợp đồng mua bán thông qua một số cá nhân, người thân… để trốn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hoặc người nộp thuế khi chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất cam kết chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam và đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam nhưng thực tế có nhiều hơn một nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, pháp luật quy định đối với nghĩa vụ của người chuyển nhượng bất động sản: nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức. Kế đến nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng bất động sản: nộp lệ phí trước bạ nhà, đất khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ; nộp thuế theo đúng giá giao dịch và nộp hồ sơ đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
Đồng thời, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng lưu ý, việc kê khai, nộp thuế, lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính; quy trình luân chuyển hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót thì khai bổ sung theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định.
Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về hành vi trốn thuế: Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp; tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt về hành vi trốn thuế; theo đó phạt tiền từ 1 - 3 lần thuế trốn. Ngoài ra, người nộp thuế còn phải nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước.
Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội trốn thuế: Các hành vi trốn thuế từ 100 triệu trở lên đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế thì bị xử lý hình sự về tội trốn thuế.
Theo Liên Hà Thái (Kienthuc.net.vn)