Theo luật gia Hoàng Ngọc Thanh, hành vi đóng đinh vào mộ là một hành vi bỉ ổi và gần như lần đầu tiên xảy ra. “Hành vi đó theo tôi là hành vi xâm phạm mồ mả. Ở đây, mặc dù thủ phạm không đào phá mà chỉ đóng đinh lên mồ mả nhưng nó đã xúc phạm nghiêm trọng đến tín ngưỡng, tập quán và gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người dân” - ông Thanh nói.
Đã có hàng nghìn ngôi mộ ở xã Lộc Thủy bị kẻ xấu đóng đinh lên phần đầu mộ. |
Ông Thanh cho biết, Điều 246 Bộ luật Hình sự cũ và điều 319 Bộ luật hình sự hiện nay quy định tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt như sau: 1- Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; Vì động cơ đê hèn; Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
Trên cơ sở đó, ông Thanh cho biết hành vi đóng đinh vào hàng nghìn ngôi mộ ở xã Lộc Thủy đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội nên có thể bị xử phạt đến 7 năm tù.
Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh (Trường Đại học Sư phạm Huế) cho biết, theo quan niệm của người xưa, đóng đinh vào mộ là một trong những hình thức trấn yểm. Theo ông Vinh, người xưa quan niệm có nhiều cách trấn yểm, trong đó đóng đinh vào mộ là hình thức trấn yểm nặng nhất.
“Theo quan niệm của người xưa, mục đích của việc đóng đinh vào mộ là cách trấn yểm nhằm làm cho tất cả những gia đình có mộ bị đóng đinh rơi vào cảnh suy kiệt, suy đồi. Vì vậy, người xưa cho rằng, cách trấn yểm này là hết sức ác độc và để lại hậu quả rất nghiêm trọng”- ông Vinh nói.
Theo An Sơn (Dân Việt)