Một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 của Bộ Nội vụ được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu là tổng hợp những vấn đề liên quan đến tài sản, kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho những người nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trong đó có việc hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc.
Bộ trưởng cũng lưu ý việc chủ động rà soát các chính sách liên quan đến phụ cấp, tiền lương để kịp thời nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành liên quan, bảo đảm đồng bộ, phù hợp khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, Bộ Nội vụ tham mưu cho Đảng uỷ Bộ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Việc này được hoàn thành trước 30/6.
Sớm khắc phục việc chậm trả lương
Liên quan đến việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Tiền lương và bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam cho biết Nghị quyết 142/2024, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai thực hiện tại kỳ họp thứ 9.
Theo kế hoạch, trong năm 2026, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục báo cáo Ban chỉ đạo và các cấp có thẩm quyền để thực hiện bước tiếp theo trong việc thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 27 như liên quan đến việc bãi bỏ mức lương cơ sở hay trả lương theo vị trí việc làm.
Trong quý 2 năm nay, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận 83 để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27.
Về tiến độ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị sắp xếp, sáp nhập, ông Nam cho biết, sau khi Chính phủ ban hành chức năng nhiệm vụ tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan thì các bộ, ngành cũng ban hành các quyết định thành lập tổ chức bộ máy đơn vị trực thuộc.
Khi triển khai nội dung này, các đơn vị phải kiện toàn các thủ tục như: đăng ký con dấu, mở tài khoản…
Tiến độ hoàn thiện bộ máy mỗi cơ quan đơn vị khác nhau, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn chi trả lương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, về cơ bản các cơ quan đã tiến hành trả lương và việc chậm trả lương sẽ sớm được khắc phục.
Không tạo ra biến động lớn của thị trường lao động
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, trong đợt 1 tinh gọn bộ máy các bộ, ngành, địa phương, dự kiến có 100 nghìn cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Nhìn về mặt lực lượng lao động, đây là những người có kinh nghiệm, bổ sung lực lượng đáng kể cho thị trường lao động.
Cục Việc làm đã chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm và một số địa phương giới thiệu việc làm, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp với đối tượng này.
Cục cũng đang nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ chế chính sách, vấn đề đào tạo, thông tin thị trường lao động, cho vay vốn.
Đối với việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh, Cục Việc làm đang phối hợp các đơn vị trong Bộ Nội vụ nắm chắc dữ liệu. Đến thời điểm hiện nay, Bộ chưa có dữ liệu để đánh giá đúng tình hình để phân nhóm, phân loại và kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
Khi đủ dữ liệu để đánh giá mới có những cơ chế, chính sách cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm phù hợp với từng nhóm lao động.
Theo ông Bình, nước ta hiện có 54 triệu lao động, trong đó có gần 53 triệu người đang tham gia vào thị trường. Vì thế, với đợt sắp xếp đầu tiên là 100 nghìn người, nhìn dưới góc độ người lao động là rất quan trọng, phải có chính sách hỗ trợ.
Nhưng nhìn dưới góc độ thị trường lao động, số lượng 100 nghìn người, nhiều ngành, nghề khác nhau, trải đều trên 63 tỉnh, thành phố, bổ sung vào thị trường lao động, thì có thể nói rằng không tạo ra biến động lớn của thị trường lao động.
Với đợt thứ 2, Bộ Nội vụ sẽ rà soát số người bị tác động là bao nhiêu. Từ đó, Bộ đánh giá xem ảnh hưởng lớn về số lượng hay không, ảnh hưởng về cá nhân của công chức, viên chức rời khỏi khu vực công và ảnh hưởng về vấn đề cung cấp nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên ông Bình cũng cho rằng, ảnh hưởng chung về số lượng, biến động của thị trường như với đợt đầu tiên 100 nghìn người thì không có ảnh hưởng gì.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)