Việc phát hiện, bóc gỡ đường dây đã góp phần ngăn chặn thiệt hại cho Nhà nước và các doanh nghiệp, khi các đối tượng lợi dụng để thanh toán tiền bảo hiểm, xin việc vào các cơ quan, doanh nghiệp mà không đảm bảo sức khỏe...
Lê Thị Ngọc. |
Trước khi trở thành bị can trong vụ án làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, Lê Thị Ngọc (trú tại tỉnh Bắc Ninh) từng là nhân viên của một văn phòng tại Hà Nội.
Ý định phạm tội của chị ta bắt nguồn từ một lần đến Bệnh viện Bạch Mai khám và lấy giấy chứng nhận sức khỏe (giấy khám sức khỏe) để làm hồ sơ xin việc.
Trong quá trình này, Ngọc phát hiện nhu cầu làm giấy chứng nhận sức khỏe trên thị trường rất lớn nên đã không nộp giấy chứng nhận sức khỏe gốc của mình mà mang đến một cửa hàng photô nhờ scan và copy lưu vào email của chị ta.
Tiếp đó, Ngọc lên mạng xã hội Facebook mua 1 giấy khám sức khỏe và 3 tờ giấy nhập viện của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương vừa để làm hồ sơ xin việc; sử dụng để xin nghỉ ốm tại công ty đồng thời qua đó tìm hiểu phương thức mua và bán loại hàng hóa đặc biệt này trên mạng Internet...
Qua công tác quản lý địa bàn, Phòng ANĐT Công an tỉnh Bắc Ninh có thông tin về đường dây mua bán giấy khám sức khỏe trên mạng xã hội Facebook.
Đối tượng nghi vấn sử dụng Facebook “Gấu Dịu Dàng” thường xuyên đăng bán giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Bạch Mai với nội dung: “Nhận làm giấy khám sức khỏe Bạch Mai, liên hệ số điện thoại... Giá rao bán là 100 nghìn đồng/ giấy...”.
Từ sự bất thường trên, Phòng ANĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc xác minh. Quá trình trinh sát đã bắt quả tang Ngọc khi rao bán giấy khám sức khỏe giả cho một khách hàng.
Quá trình đấu tranh, Ngọc khai nhận: Để thực hiện hành vi phạm tội, khoảng tháng 3-2016, Ngọc đến cửa hàng photo của Nguyễn Phong Ba (26 tuổi, trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đặt in giấy chứng nhận sức khỏe và giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai đã in dấu sẵn trên giấy.
Biết việc làm đó là vi phạm pháp luật, khi đó Ba đã từ chối. Nhưng vài ngày sau, Ngọc lại tìm đến cửa hàng photo của Ba để thuyết phục.
Khi gặp Ba, Ngọc giới thiệu là cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, do lãnh đạo đi vắng nên phải in giấy này. Thấy Ngọc năn nỉ, lại giới thiệu là cán bộ của bệnh viện Ba bị thuyết phục đã đồng ý làm cho Ngọc.
Sau khi Ba nhận in, Ngọc sử dụng máy tính, mở email copy về máy tính của Ba mẫu giấy chứng nhận sức khoẻ, giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai; hình dấu, chữ ký sẵn của bác sỹ kết luận được scan trước đó.
Với khả năng sử dụng thành thục về máy tính, Ba đã dùng phần mềm photoshop cắt, xóa phần chữ ký theo yêu cầu của Ngọc.
Tiếp đó, đối tượng này căn, chỉnh con dấu vào phần bên dưới tờ giấy chứng nhận sức khỏe, tờ giấy ra viện cho phù hợp. Lần này, Ba đã in cho Ngọc 20 tờ giấy chứng nhận sức khỏe; 20 tờ giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi hoàn tất, Ba lưu lại mẫu dấu của Bệnh viện Bạch Mai vào máy tính của anh ta để tiện sử dụng cho những lần in sau.
Trong tờ giấy khám sức khỏe để làm bán, phần lâm sàng đã được điền đầy đủ, phần kết luận đã có chữ ký, con dấu của người kết luận còn thông tin người khám thì chưa điền. Theo lời khai của Ngọc thì sau khi in,
Ngọc tự điền phân loại sức khỏe và tự ký, đóng dấu bác sỹ khám rồi bán cho khách hàng. Trên giấy ra viện thì phần thông tin người bệnh chưa được điền...
Về giá cả, Ba nhận cuả Ngọc là 6.000 đồng/tờ giấy khám sức khỏe; 2.500 đồng/tờ giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai; 1.000 đồng/tờ giấy ra viện, nhập viện của các bệnh viện khác.
Sau đó, Ngọc tiếp tục bán ra với giá 100 nghìn đồng/tờ cho những người có nhu cầu. Tổng cộng, đối tượng này đã bán 45 tờ giấy khám sức khỏe, 20 tờ giấy ra viện ghi Bệnh viện Bạch Mai, hưởng lợi bất chính gần 5 triệu đồng.
Quá trình đấu tranh, Ba khai nhận: Biết rõ hành vi làm giấy khám sức khỏe, giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lời đã thực hiện.
Ba đã 2 lần in giấy khám sức khỏe và giấy ra viện cho Ngọc với số lượng 120 tờ giấy khám sức khỏe; 220 tờ giấy ra viện và hưởng lợi bất chính 1.100.000 đồng...
Ngoài ra, theo yêu cầu của Ngọc, Ba còn in cho đối tượng này các mẫu giấy nhập viện của một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, các giấy này đều chỉ in đen trắng, không có hình dấu, chữ ký và in số lượng ít...
Giúp sức đắc lực cho Ngọc trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội còn có người bạn thân đồng thời là đồng nghiệp của Ngọc ở công ty, đối tượng Lã Việt Huyền (24 tuổi, trú tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).
Lần đầu, vào khoảng tháng 4-2016, do không có xe máy, Ngọc nhờ Huyền cho mượn xe máy và đi cùng đến cửa hàng của Ba, đặt in 100 giấy khám sức khỏe, 200 tờ giấy ra viện, 30 tờ giấy nhập viện, 200 tờ đơn thuốc của Bệnh viện Bạch Mai.
Trong đó, giấy chứng nhận sức khỏe và giấy ra viện được in màu có dấu của Bệnh viện Bạch Mai, còn giấy nhập viện và đơn thuốc thì chỉ in đen trắng bình thường.
Huyền đã ba lần cùng Ngọc bán giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, trong đó có lần bị bắt quả tang.
Tiến hành xác minh tại Bệnh viện Bạch Mai, qua làm việc xác định, có một bác sỹ chuyên khoa là cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai công tác tại Khoa Khám bệnh.
Tuy nhiên, người này cũng không có thẩm quyền ký giấy ra viện, vào viện và không ký bất cứ giấy chứng nhận sức khỏe, giấy ra viện, vào viện nào mà không có tên người khám.
Bệnh viện Bạch Mai cũng không có các bác sỹ có tên như trong một số giấy khám sức khỏe khác đã thu giữ của Ngọc.
Tại một số bệnh viện khác cũng đều xác nhận không phải của các bệnh viện này...
Theo Xuân Mai (CAND Online)