Hiện ông Phạm Công Trung là người đang điều hành Tập đoàn Thiên Thanh. Ông cũng là người “thoát tội” nhờ luật mới trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 ngân hàng: Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank), Sài Gòn thương tín (Sacombank), Tiên Phong (TPBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Trước đó, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố Công văn số 15 ngày 20/6/2018 của VKSND Tối cao. Theo công văn này, các yêu cầu nêu trong quyết định hồ sơ để điều tra bổ sung của HĐXX đối với vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại 4 ngân hàng trên đã được điều tra, làm rõ.
Đối với ông Phạm Công Trung, quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã lấy lời khai ông này để làm rõ hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh. Tuy nhiên, ông Trung vẫn giữ nguyên lời khai trước đây, không thừa nhận giúp sức cho anh trai là Phạm Công Danh trong việc vay vốn tại BIDV.
Trong quá trình điều tra bổ sung, ông Trung chỉ thừa nhận có chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng mua vật liệu của Công ty Nhất Vinh trị giá trên 24 tỷ đồng. Đồng thời thừa nhận đưa người đến Sở kế hoạch đầu tư làm thủ tục và lấy thông tin các dự án theo chỉ đạo của anh trai.
Với kết quả điều tra vụ án, có cơ sở đánh giá hành vi nêu trên của ông Phạm Công Trung là đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực bãi bỏ tội danh Cố ý làm trái quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hiện ông Phạm Công Trung đang điều hành Tập đoàn Thiên Thanh. Tập đoàn này đang hoạt động bình thường và phối hợp với các cơ quan pháp luật để giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự liên quan đến ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Vì vậy, áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng có lợi, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên không xem xét xử lý hình sự đối với ông Phạm Công Trung.
Đại diện VKSND cũng đề nghị thu hồi hơn 6.000 tỷ đồng từ 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để trả lại cho VNCB vì cho rằng, đó là vật chứng vụ án. Đồng thời, kiến nghị xem xét dòng tiền 4500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của Phạm Công Danh.
Ngoài ra, theo Công văn 15, Kết luận điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung truy tố đã nêu tại Cáo trạng số 83 của VKSNDTC. Vì vậy, VKSND giữ nguyên quan điểm truy tố nêu trong cáo trạng này đối với Phạm Công Danh và 45 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng”.
Theo Văn Minh (Tiền Phong)