Chiều 25/7, HĐXX đã bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và 44 bị cáo khác có liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
HĐXX xét hỏi bị cáo Trầm Bê (nguyên phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank), bị cáo Trầm Bê cho biết giữ nguyên lời khai tại phiên tòa hồi tháng 1/2018.
Tuy nhiên, bị cáo Trầm Bê mong HĐXX xem xét lại hành vi giúp sức bị cáo Phạm Công Danh. “Mong HĐXX xem xét vai trò, hành vi giúp sức của bị cáo”, bị cáo Trầm Bê mong mỏi.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND giữ quyền công tố cho rằng, bị cáo Trầm Bê là người biết Phạm Công Danh cần tiền sử dụng nhưng không thể vay tiền trực tiếp tại VNCB được. Trầm Bê đã đưa Danh gặp Phan Huy Khang để trao đổi về việc vay tiền qua các công ty của Danh.
Sau đó, Trầm Bê thống nhất với Phan Huy Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay tiền đều không có hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, sau khi cho vay đã không kiểm tra, thẩm định, bỏ mặc cho Danh sử dụng số tiền vay trái quy định.
Khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỷ đồng.
Đại diện VKSND khẳng định, hành vi của bị cáo Trầm Bê đã giúp sức tích cực cho Danh phạm tội, gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, trả lời HĐXX chiều 25/7, bị cáo Phạm Công Danh cho biết hiện sức khỏe của bị cáo không được khỏe, đang bị cao huyết áp.
HĐXX cho biết nếu sức khỏe bị cáo không được tốt thì trả lời sau, tuy nhiên bị cáo Danh cho biết vẫn trả lời những câu hỏi của HĐXX được.
Bị cáo Danh cho biết giữ nguyên lời khai tại phiên tòa hồi tháng 1/2018. Tuy nhiên, bị cáo Danh xin bổ sung thêm một số vấn đề, trong đó mong HĐXX xem xét lại hậu quả của vụ án.
Trước đó, mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng VNCB) trả lời với HĐXX rằng giữ nguyên lời khai ở phiên tòa hồi tháng 1/2018.
Tuy nhiên, bị cáo Mai bổ sung thêm một số vấn đề mong HĐXX xem xét, đó là liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng, đây là số tiền nằm trong tổng tài tài sản của ngân hàng VNCB.
HĐXX cho rằng, vấn đề này đã được đại diện VKSND tại phiên tòa công bố công văn số 15 của VKSND Tối cao. Trong công văn này khẳng định số tiền 4.500 tỷ đồng chi chính cho VNCB.
Trước đó, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa cho biết, bị cáo Phan Thành Mai đã có hành vi tiếp nhận chủ trương và sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, trực tiếp chỉ đạo các nhân viên VNCB tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp để có được tiền cho Danh sử dụng.
Bị cáo Phan Thành Mai là người thực hành tích cực, giúp sức cho Phạm Công Danh gây ra thiệt hại nghiêm trọng với số tiền hơn 6000 tỷ đồng của VNCB.
Cũng trong buổi chiều, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên là Thành viên HĐQT, giám đốc khối kinh doanh VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên trưởng phòng tín dụng VNCB), Phan Minh Tùng (nguyên phụ trách bộ phận kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh), Nguyễn Việt Hà (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý Qũy Lộc Việt)…Các bị cáo này cho biết vẫn giữ nguyên lời khai tại phiên tòa hồi tháng 1/2018.
Theo cáo trạng, từ năm 2013-2014, Phạm Công Danh cần có tiền sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Đồng thời, Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng (Sacombank là 1.830 tỷ đồng, TPBank là 1.740 tỷ đồng, BIDV là 2.550 tỷ đồng).
Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của Danh.
Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ.
Ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến bị thiệt hại trên 6000 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Danh, là người chủ mưu và chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay gửi trên 6000 tỷ đồng của VNCB sang gửi thị trường tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó lấy tiền để Danh sử dụng.
Theo Văn Minh (Tiền Phong)