Trả lời đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa, ông Phạm Công Trung cho biết, hiện ông đang là quyền tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh.
Ông Trung cho biết, giữa công ty Việt Trung do ông Thành lập có ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng với Công ty Nhất Nhất Vinh (công ty do ông Phạm Công Danh thành lập).
Theo ông Trung, việc thực hiện hợp đồng là hoàn toàn có thật và theo nhu cầu của công ty ông. Trong quá trình tìm hiểu, ông có biết Công ty Nhất Nhất Vinh có cung cấp vật liệu xây dựng nên đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện ký hợp đồng mua vật liệu xây dựng.
Trả lời về việc có biết Công ty Nhất Nhất Vinh là do Tập đoàn Thiên Thành và ông Phạm Công Danh thành lập, ông Phạm Công Trung cho rằng, biết công ty này có mối quan hệ với Tập đoàn Thiên Thanh chứ không biết do tập đoàn này và ông Danh thành lập.
Thời gian ký hợp đồng mua bán trước khi về Tập đoàn Thiên Thanh 2 năm. Khi về tập đoàn này thì ông Phạm Công Danh đã bị bắt.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, một số giám đốc có khai ông Phạm Công Trung có dẫn họ đến Sở kế hoạch đầu tư để thành lập công ty và lấy một số thông tin thành lập công ty.
Trước vấn đề này, ông Phạm Công Trung khai rằng, cá nhân ông không trực tiếp dẫn những người này lên Sở kế hoạch đầu tư hoặc làm giấy phép kinh doanh. “Cá nhân tôi không hướng dẫn, không quyết định thành lập công ty”, ông Phạm Công Trung khai trước tòa.
Đối với việc lấy thông tin các dự án để làm gói mô hình 4 nhà, giới thiệu các pháp nhân ký hợp đồng, ông Trung cho rằng, trong thời điểm VNCB kết hợp với Tập đoàn Thiên Thành thực hiện gói 4 nhà, tổ chức các sự kiện lớn… có mời rất nhiều nhà đầu tư đến dự và được công khai lấy tài liệu, thông tin rộng rãi. Do đó, bản thân ông không hướng dẫn, không xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư vào ký hợp đồng đầu tư mua vật liệu xây dựng.
Liên quan đến 12 hồ sơ vay vốn từ BIDV, ông Trung cũng phủ nhận việc tham gia cùng một số người khác lập hợp đồng khống để mua vật liệu xây dựng.
Trước đó, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố Công văn số 15 ngày 20/6/2018 của VKSND Tối cao. Theo công văn này, các yêu cầu nêu trong quyết định hồ sơ để điều tra bổ sung của HĐXX đối với vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại 4 ngân hàng trên đã được điều tra, làm rõ.
Đối với ông Phạm Công Trung, quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã lấy lời khai ông này để làm rõ hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh. Tuy nhiên, ông Trung vẫn giữ nguyên lời khai trước đây, không thừa nhận giúp sức cho anh trai là Phạm Công Danh trong việc vay vốn tại BIDV.
Trong quá trình điều tra bổ sung, ông Trung chỉ thừa nhận có chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng mua vật liệu của Công ty Nhất Vinh trị giá trên 24 tỷ đồng. Đồng thời thừa nhận đưa người đến Sở kế hoạch đầu tư làm thủ tục và lấy thông tin các dự án theo chỉ đạo của anh trai.
Với kết quả điều tra vụ án, có cơ sở đánh giá hành vi nêu trên của ông Phạm Công Trung là đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực bãi bỏ tội danh Cố ý làm trái quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hiện ông Phạm Công Trung đang điều hành Tập đoàn Thiên Thanh. Tập đoàn này đang hoạt động bình thường và phối hợp với các cơ quan pháp luật để giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự liên quan đến ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Vì vậy, áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng có lợi, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên không xem xét xử lý hình sự đối với ông Phạm Công Trung.
Theo Văn Minh (Tiền Phong)