Cựu phó thống đốc Đặng Thanh Bình nghẹn giọng xin án nhẹ cho đồng nghiệp

28/06/2018 16:16:46

Trong 12 phút nói lời sau cùng, đôi lúc giọng ông Bình ngắt quãng khi nhắc đến khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng.

Trưa 28/6, phiên xử ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, cựu phó thống đốc NHNN) và 4 bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN (đặt tại Ngân hàng Xây dựng - VNCB) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng kết thúc phần tranh luận.

Là người đầu tiên được nói lời sau cùng, gương mặt ông Bình đầy vẻ đăm chiêu. Giọng chậm rãi, ông cảm ơn HĐXX, đại diện VKS, đã tạo điều kiện cho ông trình bày, giải thích rõ về hành vi bị cáo buộc. "VKS đã có những ghi nhận hết sức thấu đáo quá trình đóng góp của tôi. Tôi cảm ơn những đánh giá khách quan này", cựu phó thống đốc nói.

Ông cho biết, trước những khó khăn, hạn chế trong quá trình tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng (không riêng 6 đơn vị yếu kém), đối diện với hàng loạt sai phạm chưa có tiền lệ, ông đã rất cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân ông nhận thấy đã góp phần giữ vững sự ổn định an ninh tiền tệ và đây là điều khiến ông rất tự hào.

Cựu phó thống đốc Đặng Thanh Bình nghẹn giọng xin án nhẹ cho đồng nghiệp
Ông Đặng Thanh Bình nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Bình đặc biệt nhấn mạnh việc thanh tra, giám sát là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của quá trình quản lý cũng như tái cơ cấu ngân hàng. Ông mong ngành ngân hàng rút kinh nghiệm cho những lần tái cơ cấu sau, thông qua việc quan tâm đến công tác thanh tra, giám sát để hoàn thành trách nhiệm.

"Chúng tôi cảm thấy ân hận vì chưa làm tròn nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao phó. Nhưng thật sự tôi vẫn thấy rằng cá nhân tôi cùng lãnh đạo NHNN đã rất nỗ lực với động cơ hết sức trong sáng", ông Bình nói, giọng rành rọt.

Cả phòng xử lặng thinh khi ông Bình trình bày. Trong 12 phút nói lời sau cùng, đôi lúc giọng ông ngắt quãng. Im lặng một lúc, cựu phó thống đốc nói: "Tôi đã luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ vì xã hội, vì danh dự của gia đình, vì tương lai con cháu và để không hổ thẹn với lương tâm".

Ông Bình cũng gửi lời cảm ơn đến tập thể lãnh đạo NHNN đã đồng hành, chia sẻ với ông vì đã rất nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng ông làm đúng, làm đủ, chỉ đạo của tập thể ban lãnh đạo NHNN và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Điều này khiến ông cảm thấy rất vinh dự. Ông cũng không quên nói lời cảm ơn Tổ giám sát đã cùng ông tham gia nhiệm vụ khó khăn đầy phức tạp này và đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, thấu đáo các lý lẽ trước khi định tội ông và đồng nghiệp.

Cũng gửi lời cảm ơn đến NHNN, ông Hà Tuấn Phước (nguyên tổ trưởng Tổ giám sát NHNN, phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) thừa nhận quá trình xét xử đã giúp ông hiểu rõ hơn những thiếu sót của mình. "Dù nhận thức được nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã giao mà trực tiếp là ban lãnh đạo NHNN, nhưng bị cáo đã không làm tốt, trọn vẹn việc giám sát tái cơ cấu", ông giãi bày.

Ông Phước cũng xin lỗi các thành viên trong Tổ giám sát, đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ cho mình và các đồng nghiệp vì đã làm hết sức trong hoàn cảnh khó khăn. "Bị cáo mang nhiều bệnh mãn tính, là trụ cột của gia đình. Mong HĐXX khoan hồng cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện trị bệnh và chăm sóc mẹ già, con nhỏ", ông Phước nói, vẻ thành khẩn.

Cựu phó thống đốc Đặng Thanh Bình nghẹn giọng xin án nhẹ cho đồng nghiệp - 1
Các bị cáo tại tòa hôm nay. Ảnh: Thành Nguyễn.

Hối tiếc và đau buồn, ân hận và day dứt, tự hào và ám ảnh là những cung bậc cảm xúc của bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An) khi đứng trước HĐXX nói lời sau cùng. Không nhắc nhiều về thành tích cá nhân, ông Thanh chỉ chia sẻ những cảm giác xót xa khi lâm vào cảnh "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại".

Những ngày đầu mới bị tạm giam ông rất sốc, ngày nào cũng dằn vặt, đau khổ. Khi được tại ngoại chờ ra tòa, ông luôn suy nghĩ rằng, bản thân không muốn sai phạm xảy ra nhưng cuối cùng chuyện gì tới cũng tới. Từ năm 2014 ông đã bị trầm cảm và thường xuyên đi bác sĩ. Vợ ông cũng đã lớn tuổi, thấy chồng suy nhược bà cũng trầm cảm theo.

Bị cáo Phạm Thế Tuân (nguyên phó giám đốc ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP HCM) gửi lời cảm ơn đến ban lãnh đạo các ngân hàng ông từng làm và tri ân những đồng nghiệp luôn động viên, tin yêu trong quãng thời gian khó khăn nhất đời ông.

"Tôi chỉ có lời nói duy nhất là kính mong HĐXX và VKS xem xét tất cả những tình tiết, nhân thân cũng như vai trò là cán bộ ngân hàng đã cống hiến 36 năm trong ngành. Tôi không còn là mối nguy hại cho xã hội, chỉ mong được hưởng mức án thấp, được sống cùng gia đình và cộng đồng xã hội", ông Tuân nói.

Ngắn gọn và súc tích, bị cáo Ngô Văn Thanh (nguyên phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank Long An) nói rằng, trong vụ án này ông có một phần trách nhiệm nhưng hậu quả xảy ra ông không giữ vai trò chính. Ông mong mức hình phạt thấp nhất hoặc hưởng án treo để được đi làm nuôi con nhỏ.

Trước đó, trong bài phát biểu, đại diện NHNN với tư cách cơ quan chủ quản đã đề cập đến những khó khăn của Tổ giám sát như: kiêm nhiệm chức vụ ở nhiều đơn vị, chưa có kinh nghiệm giám sát trong khi lãnh đạo VNCB dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, đồng thời khoảng cách địa lý xa đã ảnh hưởng đến hiệu quả của tổ này...

Từ đó, đại diện NHNN đề nghị HĐXX ghi nhận sự đóng góp của ông Bình cùng 4 bị cáo thuộc Tổ giám sát, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ.

Dự khiến TAND TP HCM tuyên án chiều ngày 2/7.

Theo cáo buộc, ông Bình và Tổ giám sát đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, thực hiện không đúng phương án tái cơ cấu đã trình Chính phủ. Những người này vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, sử dụng ngân hàng "như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội" gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng cho VNCB, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tài chính tín dụng quốc gia.

VKS đề nghị HĐXX áp dụng mức án 4-5 năm tù đối với ông Bình. Bốn bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát bị đề nghị từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù.

Theo Kỳ Hoa - Lan Ngọc (VnExpress.net) 

Nổi bật