Sáng 26/6, phiên xử bị cáo Đặng Thanh Bình (nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) và 4 đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần thẩm vấn của đại diện VKSND.
'Tôi đã làm đúng trách nhiệm'
Ông Bình cho rằng việc thành lập tổ giám sát là hoàn toàn đúng đắn. Với trách nhiệm Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu, chỉ đạo tổ giám sát, ông Bình cho biết khi họp ban, mỗi một thành viên đều có ý kiến độc lập về các vấn đề được đưa ra xử lý, trưởng ban sẽ tổng hợp ý kiến.
Việc quan trọng như phê duyệt chủ trương, phê duyệt phương án tái cơ cấu thì ban sẽ họp tập thể, sau đó Thống đốc NHNN quyết định. Bị cáo cho rằng ban chỉ đạo tái cơ cấu chỉ có đưa ý kiến chứ không có quyền quyết định.
"Khi xem xét trách nhiệm, tôi thấy cáo trạng truy tố tôi về 1 số hành vi. Rà soát lại, tôi nhận thấy mình đã thực hiện đầy đủ, đúng trách nhiệm", bị cáo Bình nói.
Nguyên Phó thống đốc NHNN nhắc lại việc cáo trạng truy tố ông không đúng. Về trách nhiệm chỉ đạo và tham gia chỉ đạo tái cơ cấu, ông Bình cho rằng bản thân đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Những quyết định ông ký không liên quan đến hậu quả xảy ra.
"Nhưng bản thân là lãnh đạo, là Đảng viên mà việc thực hiện đề án của một tập thể trong đó có tôi mà việc này không hoàn thành thì tôi có trách nhiệm về mặt chính trị. Còn đối chiếu quy định pháp luật về chức năng, tôi đã hoàn thành trách nhiệm", ông Bình trình bày.
Ông cũng cho biết trong NHNN có quy định rất rõ ràng, vấn đề tái cơ cấu là vấn đề quan trọng. Phó thống đốc phải xin ý kiến Thống đốc trước khi quyết định. Ngay cả bản thân Thống đốc cũng không thể tự quyết mà phải đưa ra bàn luận, xem xét kỹ càng, sau đó mới quyết định.
"Tôi đã làm đầy đủ, đúng trách nhiệm của mình. Việc xử lý đúng người, đúng tội rất quan trọng để cho những người sau hiểu: nếu mình làm đúng thì không phải sợ gì cả nhưng nếu làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm", nguyên Phó thống đốc nói trước khi kết thúc phần trình bày thẩm vấn với đại diện VKS.
Đề nghị triệu tập Chánh thanh tra giám sát NHNN
Đại diện VKS cho biết, căn cứ vào kết quả xét hỏi ngày hôm qua và việc thẩm vấn sáng nay tại tòa, VKS cho rằng có nhiều vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra cơ quan giám sát NHNN. Do đó, VKS đề nghị HĐXX cho triệu tập ông Nghĩa tới tòa.
Trước đó, có mặt tại tòa, đại diện Thanh tra giám sát (TTGS) NHNN cho biết đối với kiến nghị tổ giám sát tại VNCB thì cơ quan thanh tra sẽ tham mưu. Theo vị đại diện, cơ quan thanh tra giám sát đã có báo cáo số 78 nêu vấn đề về dấu hiệu sai phạm VNCB và đã có văn bản chỉ đạo giám sát VNCB, thu hồi khoản sai phạm.
Đồng thời, có công văn 67 thu hồi đối với khoản tiền liên quan đến khoản tiền 63 tỷ đồng, core banking, cho vay tín dụng 10 doanh nghiệp. Các sai phạm này đã được tổ giám sát xin ý kiến lãnh đạo NHNN, có yêu cầu VNCB thu hồi.
Khi hỏi về tình hình thu hồi các khoản sai phạm, đại diện cơ quan TTGS cho biết sẽ xin ý kiến sau.
Bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) bật khóc trả lời đại diện VKS. Ông cho rằng không hề có quy định nào quy định giám sát tại đơn vị thì những người trong tổ giám sát như bị cáo phải làm những cái gì.
Ông cũng trình bày giai đoạn đó dù bị bệnh nhưng vẫn phải làm. Theo bị cáo, khoảng cách địa lý là trở ngại khách quan, ảnh hưởng chất lượng giám sát nên mới dẫn đến sai phạm không nhận ra.
Bị cáo Ngô Văn Thanh (nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An) cho rằng với chức năng, nhiệm vụ của tổ viên, bị cáo chỉ báo cáo trực tiếp với tổ trưởng chứ không báo cáo qua tổ viên khác. Đối với giao dịch, ông Thanh chỉ cho ý kiến đề xuất, theo dõi tiền có đi hay không đi, còn kiểm soát dòng tiền sau đó thì tổ trưởng giao cho người khác làm.
Ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng.
Tháng 8/2012, ông Bình đã ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp nhận chủ trương. Ông ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với những hoạt động tại VNCB do mình làm tổ trưởng.
Ngân hàng Đại Tín được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát.
Ông Bình và 4 đồng phạm đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB, để ông Danh điều hành VNCB và sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)