Phiên xử ông Đặng Thanh Bình (nguyên phó thống đốc NHNN) và các đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chiều 27/6 tiếp tục với phần tranh luận.
Các luật sư bảo vệ ông Bình cho rằng, việc chấp thuận chủ trương để nhóm nhà đầu tư mới (nhóm Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh đứng đầu) tham gia tái cơ cấu TrustBank; phê duyệt việc chuyển nhượng cổ phần giữa các nhà đầu tư này hay phê duyệt phương án tái cơ cấu TrustBank... đều do tập thể lãnh đạo NHNN quyết định, không phải quyết định của cá nhân ông Bình.
Về bút phê "việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này" của ông Bình trên Tờ trình 1340 ngày 4/9/2012, theo luật sư, là ý kiến chỉ đạo kiểm tra nguồn tiền mà nhóm nhà đầu tư mới sử dụng để góp vốn; khác với hoạt động đánh giá, kiểm tra năng lực tài chính. Động thái này là kịp thời, đúng với chủ trương của lãnh đạo NHNN và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng; đúng với nội dung đề xuất của Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng.
Đối với quan điểm của VKS cho rằng bị cáo Bình chỉ đạo không kiểm tra, đánh giá năng lực tài chính của nhóm cổ đông mới, luật sư khẳng định việc này được thân chủ làm thường xuyên, liên tục từ khi lãnh đạo NHNN đồng ý về chủ trương hay khi Thủ tướng đồng ý với việc tái cơ cấu ngân hàng.
Luật sư dẫn chứng, việc đánh giá năng lực tài chính đối với nhóm nhà đầu tư mới đã được lãnh đạo NHNN và bị cáo Bình chỉ đạo; Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã thực hiện việc kiểm tra bắt đầu từ tháng 5/2012 cho đến khi phương án tái cơ cấu được chấp nhận chính thức vào tháng 7/2013.
Về các ý kiến chỉ đạo của ông Bình đối với Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng trong việc thực hiện phương án tái cơ cấu TrustBank, các luật sư khẳng định là nhất quán và đúng pháp luật. Không có việc bị cáo Bình bỏ qua các đề xuất của đơn vị này.
Trách nhiệm để Phạm Công Danh thao túng, sử dụng Ngân hàng Xây dựng (VNCB, tiền thân là TrustBank) là do sự thiếu kiểm tra, giám sát của Tổ Giám sát, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN chứ không phải là hậu quả của việc phê duyệt phương án tái cơ cấu TrustBank hay bút phê của ông Bình trên Tờ trình 1340.
Từ những lập luận này, luật sư đề nghị HĐXX xem xét và tuyên bố bị cáo Đặng Thanh Bình không phạm tội.
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN về việc cơ cấu lại TrustBank (tiền thân của VNCB), tháng 8/2012, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình thành lập Tổ giám sát tại nhà băng này, hoạt động theo phương án đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó phải xác minh năng lực tài chính nhóm đầu tư mới của ông Phạm Công Danh để đảm bảo nguồn tiền đầu tư vào ngân hàng.
Tuy nhiên, theo cáo buộc, ông Bình và Tổ giám sát đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, thực hiện không đúng phương án tái cơ cấu đã trình Chính phủ. Những người này vẫn quyết định để ông Danh tham gia quản lý, sử dụng ngân hàng "như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội" gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng cho VNCB, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tài chính tín dụng quốc gia.
VKS đề nghị HĐXX áp dụng mức án 4-5 năm tù đối với ông Bình. Bốn bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát bị đề nghị từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù.
Tự bào chữa cho mình, ông Đặng Thanh Bình tiếp tục khẳng định làm đúng trách nhiệm mà Thống đốc NHNN giao phó. Ông nói rằng, trong giai đoạn năm 2011-2012 kinh tế Việt Nam rất khó khăn, lạm phát cao và mức lãi suất trên thị trường cao chưa từng thấy. Lãi suất liên ngân hàng lên đến 15-17%, lãi suất cho vay doanh nghiệp 25-26%, thậm chí lên đến 30%.
"Việc tái cơ cấu là tất yếu để tránh những nguy cơ tiềm ẩn, nếu không khéo sẽ đe dọa an ninh tiền tệ. Chúng ta thực hiện tái cơ cấu trong khi nguồn lực không có, ngân sách chi hạn chế. Tái cơ cấu mà không có một quy định nào về tái cơ cấu, cũng không được chuẩn bị về kinh nghiệm trong khi đây là việc buộc phải làm. Đó là điều bị cáo mong tòa xem xét khi đánh giá vụ án", ông Bình nói.
Ngày 28/6 toà tiếp tục với phần đối đáp của VKS.
Theo Lan Ngọc (VnExpress.net)