Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiếp nhận trình báo của chị H.T.T.N. (trú tại TP Huế) về việc bị lừa chiếm đoạt số tiền 2,589 tỷ đồng.
Theo trình báo của chị N., sau khi nhận được cuộc gọi từ một người xưng là cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo về việc chị liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và lừa đảo, chị rất hoang mang. Khi giải thích rằng không liên quan đến đường dây mua bán ma túy và lừa đảo, đối tượng yêu cầu chị phải hợp tác.
Lo lắng, chị N. thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Kẻ gian yêu cầu chị N. phải rời nhà ra thuê phòng nghỉ bên ngoài để tiếp tục trao đổi, tránh hỏi ý kiến người khác. Đồng thời, đề nghị nạn nhân mua một chiếc điện thoại cùng một thẻ sim mới, rồi yêu cầu cài đặt app "Bộ Công an" từ link https://0113.0113084.com/download. Hoàn tất cài đặt, vị "công an" tiếp tục bảo chị N. mở tài khoản tại ngân hàng Vietcombank và nộp tất cả số tiền 2,58 tỉ đồng vào đó để phục vụ công tác điều tra.
App "Bộ Công an" nêu trên được các đối tượng lừa đảo sử dụng để đánh cắp thông tin giúp các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại của nạn nhân bao gồm cả cuộc gọi, tin nhắn (OTP)… Sau khi chiếm được thông tin bảo mật của tài khoản ngân hàng, các đối tượng tiến hành đăng nhập và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng.
Do liên tục bị đe dọa, chỉ trong 4 ngày, chị N. chuyển tổng số tiền 2,580 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng đã mở trước đó. Khi kiểm tra số dư trong tài khoản, chị N. tá hỏa phát hiện toàn bộ số tiền nộp vào không còn.
Chị N. cho hay, đó là số tiền chị đã vay mượn của hơn 10 người là bà con, người thân.
Thời gian qua, lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên nhận được trình báo bị các đối tượng giả danh cán bộ công an, VKSND, TAND... gọi điện để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Công an đã nhiều lần có các khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo này nhưng vẫn còn có người dính "bẫy" lừa.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho bị hại thông báo liên quan đến vụ án thì đọc đúng chính xác những thông tin này làm cho bị hại lo lắng và tưởng đó là công an thật.
Đặc biệt, các đối tượng còn dùng lời lẽ đe dọa, sử dụng kịch bản đã lên làm bị hại cuốn theo. Sau đó, chúng yêu cầu bị hại không tiết lộ thông tin đang gọi vì đó là chuyên án nếu lộ lọt chuyên án, bị hại sẽ chịu trách nhiệm nhằm mục đích tránh mọi người biết để tư vấn. Thậm chí các đối tượng dặn bị hại khi rút tiền hoặc chuyển tiền nhân viên ngân hàng có hỏi thì nói giải quyết việc gia đình.
Tổng hợp
PTH (SHTT)