Người tự xưng trụ trì 2 ngôi chùa bị tố lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện của một Á hậu không phải là tu sĩ Phật giáo

27/10/2023 18:29:41

Á hậu N.H.K.L. đã đăng tải bài viết tố cáo một người tự xưng là trụ trì của 2 ngôi chùa tại TPHCM về việc lừa đảo tiền từ thiện.

Những ngày mạng xã hội xôn xao trước bài đăng của một Á hậu về việc bị một người tự xưng là tu sĩ Phật giáo có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt hơn 500 triệu tiền từ thiện. Bài đăng ngay lập tức đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dùng mạng.

Người tự xưng trụ trì 2 ngôi chùa bị tố lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện của một Á hậu không phải là tu sĩ Phật giáo
Bài viết được tài khoản N.H.K.L. đăng tải trên trang cá nhân. Ảnh: Facebook nhân vật.

Theo bài viết đăng tải, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, khi đang thực hiện dự án thiện nấu ăn, Á hậu này đã quen biết người tự xưng là thầy T.N.Q. (tạm gọi là thầy Q). Quá trình đi lễ chùa, thầy Q. tự giới thiệu mình là trụ trì của 2 chùa, gồm 1 chùa ở Bình Thạnh và 1 chùa khác ở Lâm Đồng, cả 2 chùa đều đang được xây sửa mới đây. Sau đó người này được thầy Q. giới thiệu về những hoạt động thiện nguyện mà mình đang thực hiện trong đó có việc xây dựng nhà tình thương cho rất nhiều hoàn cảnh thương tâm. Ngay khi nghe xong, N.H.K.L. đã ngỏ ý muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tương tự.

Theo thông tin được N.H.K.L. chia sẻ, Sau đó, cô đã chuyển khoản cho thầy T.N.Q. với mục đích xây dựng 8 căn nhà tình thương tại các địa điểm như: Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Gia Lai, Sóc Trăng, Kiên Giang, Kon Tum. Ngoài ra N.H.K.L. còn góp tiền sửa nhà cho các sư cô, các gia đình khó khăn; mua 13 chiếc xe lăn cho người cao tuổi ở Bình Thuận kèm tiền mặt 500.000 đồng mỗi người; vận động Ấn Tống Kinh, thỉnh tượng ngài về nghĩa trang;... Bên cạnh đó nàng hậu còn hỗ trợ các chi phí phóng sanh, mua áo quan cho người mất. Tổng chi phí các hạng mục lên tới hơn 700 triệu đồng.

Người tự xưng trụ trì 2 ngôi chùa bị tố lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện của một Á hậu không phải là tu sĩ Phật giáo - 1
Đề nghị xác minh về vụ việc được gửi đến Giác ngộ Online. Ảnh: Giác ngộ Online.

Theo nàng hậu, chỉ đến khi N.H.K.L. gặp Trưởng Ban chỉ huy dự án nhà Nhân ái thì mới biết mình bị lừa khi toàn bộ số tiền người này chuyển cho thầy Q. mới chỉ được sử dụng vào 3 việc là mua gạo cho chùa và xây dựng 2 căn nhà ở Tiền Giang và Bến Tre. Tổng cộng số tiền đã chi khoảng 141 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 550 triệu đồng bị sử dụng với mục đích riêng.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, nhiều người đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh sự việc.

Liên quan đến vụ việc, thông tin trên báo Giác ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, TP.HCM cho biết, người được cho là lừa và chiếm đoạt tiền từ thiện mà tài khoản N.H.K.L đề cập “thầy T.N.Q. (tên thật: T.D.K.D., SN 1998)” không phải là tu sĩ Phật giáo, chỉ từng tham gia khóa xuất gia gieo duyên được tổ chức ngắn hạn và tự phát ở một ngôi chùa trên địa bàn quận 10, TP.HCM. Về thông tin thầy T.N.Q. làm trụ trì ở 2 chùa (1 ở địa chỉ 20 Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh và 1 chùa khác ở Lâm Đồng), qua xác minh là hoàn toàn không có trong thực tế.

Người tự xưng trụ trì 2 ngôi chùa bị tố lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện của một Á hậu không phải là tu sĩ Phật giáo - 2
T.D.K.D. trong hình thức tu sĩ được cho là "thầy T.N.Q.". Ảnh: Báo Công lý.

Cơ quan chức năng cũng như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Bình Thạnh cho biết cơ sở tại địa chỉ số 20 đường Võ Trường Toản, P.2, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) không phải là cơ sở tôn giáo. Đây chỉ là một ngôi nhà phố, để biển hiệu “Tri âm - Nghệ thuật Phật giáo, thiết kế Tam bảo, Thiền trà”, trưng bày nhiều tranh tượng, trà cụ,... do một phụ nữ tên V.T.Đ.L. quản lý.

Cũng theo xác minh của báo Giác Ngộ, T.D.K.D. sau đó đã biết về việc mình bị tố lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện và có nhắn tin với một vài người bày tỏ hành vi tội lỗi; sau đó, ngày 25/10, T.D.K.D. đã tự vẫn. Dù được phát hiện và đưa đi cấp cứu, nhưng T.D.K.D. đã tử vong vào cùng ngày.

Thông tin với báo Giác ngộ , Thượng tọa Thích Tâm Hải, Phó Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Không hễ cứ đầu tròn áo vuông là tu sĩ, nhất là trong thế giới thông tin xã hội phức tạp như hiện nay. Việc lắp ghép hình ảnh với các vị giáo phẩm, quan chức nhà nước, giả mạo giấy tờ chứng nhận Tăng Ni, kể cả bằng cấp, chứng điệp thọ giới, huân, huy chương nhà nước… đã từng xảy ra.

Rất mong mọi người cẩn trọng, cần có xác minh trước khi cộng tác, ‘chọn mặt gửi vàng’, đặc biệt là trong công việc từ thiện, để việc làm này đầy đủ cả tinh thần tình thương và trí tuệ”.

Theo Hạ Vũ (Phụ nữ mới)