Ngày 9/5, phiên xử vắng mặt bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo đồng phạm của bà này, làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng khi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.
Theo cáo trạng, năm 2008 căn nhà được bà Phấn mua với giá khoảng 370 tỷ đồng, bán lại cho Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang (do bà thành lập thuê cháu rể Lâm Kim Dũng đứng tên) với giá 426 tỷ. Đến tháng 8/2011, HĐQT Đại Tín gồm: Chủ tịch Hoàng Văn Toàn, bà Phấn và các thành viên trong đó có Tổng giám đốc Trần Sơn Nam, Phó giám đốc Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn)… đã thông qua và chuyển tiền mua căn nhà giá 1.268 tỷ cho Công ty Lam Giang.
Sau khi chuyển nhượng lòng vòng, tháng 2/2012, Ngân hàng Đại Tín do Tổng giám đốc Nam đại diện ký lại hợp đồng mua căn nhà trên với cá nhân bà Phấn với giá 1.260 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản cho bà Phấn rút ra sử dụng.
Cả HĐQT Ngân hàng Đại Tín đều làm thuê cho bà Phấn
Là người đầu tiên được gọi lên thẩm vấn, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín Hoàng Văn Toàn thừa nhận hành vi sai phạm như cáo buộc.
Bị cáo cho biết, trước năm 1992 là giảng viên Đại học Ngân hàng, sau đó lần lượt giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam (11 năm) và Ngân hàng Nam Á. Sau thời gian nghỉ để trị bệnh, đầu năm 2008 ông được bà Phấn mời về làm cố vấn cho Ngân hàng Đại Tín, tiếp đó được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT với mức lương 60 triệu đồng mỗi tháng.
Liên quan việc Ngân hàng Đại Tín mua lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch của bà Phấn, ông Toàn ký tên vào biên bản họp HĐQT, chấp thuận mua với giá 1.260 tỷ đồng. Bị cáo thừa nhận sai khi ký duyệt mua căn nhà có giá trị trên 20% vốn điều lệ ngân hàng nhưng không xin ý kiến của đại hội cổ đông, vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, không kiểm tra việc thẩm định giá tài sản theo quy định.
"Bị cáo là người làm công ăn lương nên bà Phấn nói sao thì làm vậy. Bản thân bị cáo cũng nghĩ căn nhà trên là của bà Phấn, bà Phấn cũng là chủ ngân hàng, việc mua bán có định giá của Công ty TrustAsset (thuộc ngân hàng) nên đã bỏ qua mọi quy định mà chấp nhận việc mua bán", ông Toàn khai.
Toàn bộ biên bản họp HĐQT và Nghị quyết đều do Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn, nguyên thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc) chuẩn bị và chuyển cho ông Toàn ký hoàn thiện. Còn người soạn thảo hợp đồng ông không biết là ai. Cả HĐQT đều là người làm thuê nên phải làm theo sự chỉ đạo của bà Phấn, không ai có động cơ và hưởng lợi gì.
Chủ toạ chất vấn: "Từng có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, vì sao bị cáo lại để bà Phấn lèo lái mọi việc?". Ông Toàn trả lời: "Bà ấy là người rất thông minh, thẳng thắn, cách quản lý tài sản rất nghiêm ngặt không ai có thể lấy được tiền của bà'".
Ông Toàn khai thêm, 20 ngày trước khi ký hợp đồng mua căn nhà trên, cũng chính Ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn định giá thị trường căn nhà có giá 290 tỷ đồng để Công ty cổ phần địa ốc Lam Giang (công ty của bà Phấn) thế chấp vay 187,5 tỷ đồng. Đến đầu tháng 2/2012, Ngân hàng Đại Tín xoá khoản thế chấp này.
Còn bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc) khai, ông quen biết bà Phấn khi tham gia mua cổ phiếu của ngân hàng này. Lúc đó ông đang làm phó giám đốc chi nhánh một ngân hàng khác với mức lương 5 triệu đồng, bà Phấn đề nghị về làm Tổng giám đốc cho Đại Tín và trả 50 triệu đồng mỗi tháng nên đồng ý.
Thực tế, bị cáo chỉ làm tổng giám đốc trên danh nghĩa, còn mọi hoạt động của ngân hàng đều do bà Phấn quyết định. Về quyết định mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bà Phấn chỉ đạo phải mua căn nhà này cho bằng được để chuyển hội sở ngân hàng từ Long An về.
Được gọi lên thẩm vấn, Ngô Kim Huệ khóc khi trình bày hoàn cảnh gia đình. Cha bị tai nạn giao thông mất sớm, gia đình được bà Phấn cưu mang từ lúc bị cáo 9 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Huệ về làm cho bà Phấn và được giao giữ chức vụ thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Đại Tín. Do đó, mọi quyết định liên quan đến nhà băng đều thực hiện theo chỉ đạo của bà.
Còn Lâm Kim Dũng (cháu rể bà Phấn, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Lam Giang) khai được bà này thuê làm với mức lương hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Thực tế, việc ký hợp đồng mua bán lòng vòng căn nhà này với Công ty Lam Giang và ngân hàng cũng là làm theo chỉ đạo của bà.
Trong giai đoạn một của vụ án đang đưa ra xét xử, bà Phấn bị cáo buộc thâu tóm Đại Tín, chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi sai phạm chiếm đoạt số tiền hơn 6.300 tỷ đồng của nhà băng. Là người có vai trò chủ mưu nhưng bà Phấn không đến tòa do sức khỏe yếu.
Sáng nay, trước khi bắt đầu phiên tòa, HĐXX cho biết rất chia sẻ với bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ, trợ lý của bà Phấn) khi mới sinh con được ba tuần. Toà đã cho phép vắng mặt, song bị cáo không đồng ý và mang theo con đến tòa trong ngày đầu diễn ra.
HĐXX đã có công văn gửi Sở Y tế TP HCM, yêu cầu cử điều dưỡng viên và bác sĩ sản nhi đến tòa để đảm bảo sức khỏe của cháu bé. Toà cũng sắp xếp một phòng riêng bên ngoài phòng xử để tiện chăm sóc sức khỏe cho bị cáo Loan và cháu bé. Trường hợp bị cáo Loan mang theo con nhỏ đến tòa thì đề nghị bị cáo chuyển cháu bé cho lực lượng y tế chăm sóc những lúc vào phòng xử.
Tuy nhiên, trong ngày làm việc hôm nay, không thấy bị cáo Loan đến tòa.
Theo hải Duyên (VnExpress.net)