Sáng 9/5, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là ngân hàng xây dựng - CB).
Cáo trạng truy tố Hứa Thị Phấn (SN 1947, quê tỉnh Đồng Tháp, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) và 27 đồng phạm về 2 tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong số các bị cáo bị truy tố chung với Phấn, có Ngô Kim Huệ, nguyên Phó TGĐ TrustBank, Giám đốc công ty TNHH Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan, Kế toán công ty TNHH Phú Mỹ; Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank; Trần Sơn Nam, nguyên Tổng Giám đốc TrustBank và 23 bị cáo khác được xác định vai trò đồng phạm với Phấn và cùng bị truy tố chung với Hứa Thị Phấn về 2 tội danh trên.
Là người đầu tiên được gọi xét hỏi tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Toàn cho biết, Toàn bắt đầu vào làm việc tại TrustBank từ năm 2008. Trước đó Toàn là TGĐ ngân hàng Nam Á. Sau khi được Phấn mời làm việc, Toàn chỉ nắm tình tình chung của ngân hàng chứ chưa có chức danh gì.
Năm 2009, trước đại hội cố đông, bị cáo Toàn được Phấn mời mua cổ phần của TrustBank nhưng Toàn không có tiền. Lúc này, Phấn nói sẽ bỏ tiền ra, cho Toàn đứng tên và giữ chức Chủ tịch HĐQT. Trong đại hội năm 2009, bị cáo được bầu vào thành viên HĐQT và sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
Theo quy chế của ngân hàng thì Chủ tịch HĐQT là người đại diện trước pháp luật. Khi bị cáo về làm, quy mô ngân hàng ngày càng tăng lên, mạng lưới ngày càng rộng. Vốn điều lệ có hơn 18.000 tỷ đồng, với khoảng 150 phòng giao dịch, cùng khoảng hơn 1.000 nhân viên.
Theo bị cáo Toàn, mặc dù bị cáo mang danh là Chủ tịch HĐQT nhưng không phải bị cáo làm chủ, chức Chủ tịch không có thực danh và thực quyền, bị cáo chỉ là người làm thê cho Phấn. Những người khác trong HĐQT cũng là em trai, cháu và người thân của Phấn và đều là người làm thuê cho Phấn.
“Việc trao đổi giữa Phấn và Toàn chủ yếu thông qua Lưu Kim Huệ (cháu của Hứa Thị Phấn). Bà Phấn nói không làm ngân hàng, nhưng thực tế bà Phấn đã làm tại 5 ngân hàng khác nhau, và đều nằm trong tốp “chóp bu” của những ngân hàng này, có thể chi phối ban lãnh đạo các ngân hàng mà bà Phấn từng công tác”, bị cáo Toàn khai.
Ban đầu Toàn có thắc mắc tại sao bị cáo Phấn không có chức danh gì trong TrustBank nhưng lại chi phối được ngân hàng, sau đó bị cáo biết bị cáo Phấn chiếm gần 85% cố phần thì Phấn hoàn toàn có thể chi phối được ngân hàng.
Về hành vi nâng khống bất động sản tại số 5, đường Phạm Ngọc Thạch, bị cáo Toàn cho biết, khi trao đổi, bị cáo Phấn nói sau này phải có trụ sở ngân hàng tại TP.HCM, nên chỉ đạo mua căn nhà của bà Phấn. “Bà Phấn nói mua bằng với giá mà bà Phấn mua”, bị cáo Toàn nói.
Nếu mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch này với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng thì sẽ vượt vốn điều lệ, nhưng thời điểm đó, ngân hàng Nhà nước cho phép tăng vốn điều lệ từ 3.000 lên 5.000 tỷ đồng.
“Dù thời điểm này chưa thay đổi giấy phép, nhưng do mình là người làm thuê, ngân hàng là của bà Phấn, việc tăng vốn điều lệ đã được chấp thuận rồi thì việc mua tài sản cố định là hợp pháp nên bị cáo và thành viên ban Điều hành ký trước các giấy tờ mua bán”, bị cáo Toàn trình bày.
Bản thân bị cáo và các thành viên ký biên bản mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, nhưng hoàn toàn không có hồ sơ mua bán, và không được hưởng lợi bất cứ đồng tiền nào từ việc mua bán này cả.
Bị cáo Toàn thừa nhận toàn bộ sai phạm như cáo trạng quy kết, nhưng mong HĐXX xem xét cho mình về nguyên ngân và tình huống dẫn đến hành vi phạm tội.
Hết giờ làm việc buổi sáng, Chủ tọa tuyên bố tạm nghỉ và sẽ làm việc lại vào 14h hôm nay.
Theo Công Thư (Người Đưa Tin)