Ngày 8/5, TAND TP HCM không chấp nhận đề nghị hoãn phiên xử từ các luật sư bảo vệ bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) khi cho rằng thân chủ "không tỉnh táo để có ý kiến về các cáo buộc".
Bà Phấn và 27 đồng phạm bị TAND TP HCM đưa ra xét xử về các tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín.
Theo HĐXX, hiện tòa chưa nhận được đơn yêu cầu của bà Phấn về việc xin xét xử vắng mặt. Quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được tòa tống đạt cho bị cáo hợp lệ tại Bệnh viện Tân Hưng (quận 7), nơi bà Phấn được chăm sóc.
Tòa cũng đã gặp làm việc với bác sĩ của bà Phấn, được biết bị cáo mang bệnh huyết áp cấp độ ba và tiểu đường tuýp II, trong tình trạng tỉnh táo nhưng thỉnh thoảng mới tiếp xúc được. Do tình trạng sức khỏe của bà này không ổn định nên HĐXX không thực hiện việc áp giải đến tòa.
"Việc bị cáo vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Bị cáo có đến 5 luật sư bào chữa, HĐXX cũng căn cứ vào tất cả các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các bị can, chứ không kết tội bị cáo khi chưa có cơ sở", chủ tọa nói.
Ngoài ra, HĐXX còn cho rằng, năm 2015 khi chưa bị khởi tố, bà Phấn đã có nhiều buổi làm việc với cơ quan điều tra dưới sự chứng kiến của luật sư và cấp dưới của mình. Hai tuần trước khi bị khởi tố (ngày 22/3/2017) bà mới nhập viện và từ đó cơ quan điều tra mới không thể hỏi cung do bà luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc".
Bà Phấn sau đó cũng có đơn xin hay đổi điều tra viên và ký nhiều văn bản, đơn tố cáo và kháng cáo (trong vụ ánHà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank)...
Từ các lý do trên, HĐXX không chấp nhận kiến nghị của các luật sư của bị cáo.
Đề nghị đình chỉ xét xử đại gia Sáu Phấn
Trước đó, ngay sau phần làm thủ tục, các luật sư bào chữa cho bà Phấn đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa vì sức khỏe của thân chủ không đảm bảo, không thể trình bày hay ý kiến trước tòa về các nội dung đang bị cáo buộc. Theo các luật sư, tòa cần trưng cầu giám định pháp y lại về tình trạng sức khỏe của bà Phấn.
Luật sư Trương Thị Minh Thơ (nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM) đề nghị HĐXX hoãn, hoặc tạm đình chỉ xét xử đối với bà Phấn. Bà cho biết, ngay sau khi có kết luận điều tra vụ án, bà Phấn đã khiếu nại các cơ quan tố tụng nhưng đến nay chưa có đơn trả lời. "Việc tòa tiếp tục xét xử là vi phạm tố tụng", bà Thơ nêu quan điểm.
Tương tự, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo, người bào chữa cho Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ, giúp sức tích cực cho bà Phấn) cũng đề nghị hoãn tòa do thân chủ mới sinh con được ba tuần. Sức khỏe của Loan cũng rất yếu, phải thường xuyên vào viện do huyết áp cao, tim mạch, ngay cả trước và sau khi sinh.
Theo luật sư Thảo, ban đầu Loan bị điều tra tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế nhưng sau đó chuyển sang tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo đã khiếu nại vấn đề này với các cơ quan tố tụng nhưng chưa được giải quyết. Do đó dù sức khỏe rất yếu sau khi sinh bị cáo vẫn cố gắng mang con đến tòa để được trình bày ý kiến của mình.
Ngoài ra, luật sư Thảo cũng cho rằng, chứng cứ liên quan đến các bản sao kê tiền chuyển cho Công ty Phương Trang chưa được thu thập đầy đủ nên cần phải có thêm thời gian.
Trả lời ý kiến của luật sư, Chủ tọa Phạm Lương Toản cho biết, sau khi có khiếu nại của các bị cáo về kết luận điều tra, VKSND Tối cao vẫn tiếp tục ra cáo trạng, điều đó có nghĩa đơn khiếu nại không được đồng ý.
Về vấn đề sức khỏe của bị cáo Loan, thẩm phán và thư ký cùng luật sư đã đến tận nhà xem xét, tòa cho bị cáo được vắng mặt khi xét xử hoặc những ngày làm việc về các nội dung không liên quan. Tuy nhiên, bị cáo không đồng ý và vẫn đến dự tòa. HĐXX cũng đã mời bác sĩ sản nhi đến tòa để chăm sóc sức khỏe cho Loan và các bị cáo khác.
"Không thể vì vấn đề sức khỏe sinh sản của bị cáo mà ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án", chủ tọa nói và cho biết.
Theo cáo buộc, năm 2007 bà Hứa Thị Phấn đại diện nhóm Phú Mỹ (gồm Công ty đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người trong gia đình) đứng ra mua gần 85% cổ phần của ngân hàng, giữ chức vụ cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị. Lợi dụng việc nắm quyền chi phối, bà đã chỉ đạo dàn lãnh đạo và nhân viên dưới quyền thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm chiếm dụng tiền của ngân hàng.
Trong đó, bà chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch sau đó bán lại cho Ngân hàng Đại tín chiếm đoạt số tiền hơn 1.105 tỷ.
Ngoài ra, bà còn thông qua Bùi Thị Kim Loan chỉ đạo nhân viên Đại Tín tại chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang lập chứng từ hạch toán khống trên hệ thống SmartBank hơn 5.256 tỷ đồng, sau đó đẩy nợ cho Công ty Phương Trang, cấn trừ vào số tiền đã chiếm đoạt.
Nhiều hành vi sai phạm khác của bà được cơ quan tách ra thành vụ án khác để điều tra xét xử trong giai đoạn sau.
Liên quan đến những sai phạm trong việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại tín cho Hà Văn Thắm, bà Phấn vừa bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 17 năm tù về tội Vi Phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo Hải Duyên (VnExpress.net)