Ngày 31-3, các phòng nghiệp vụ thuộc Công an TP HCM vẫn đang phối hợp với Công an quận 12 điều tra vụ Lê Văn Vàng (SN 1989, ngụ quận 12) có hành vi sát hại mẹ ruột vào sáng 30-3.
Án mạng đau lòng
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Vàng thừa nhận hành vi, khai là do không chịu làm ăn, ham chơi, Vàng bị mẹ (bà M.N, SN 1967) la mắng nên đã ra tay sát hại dã man bà. Hàng xóm cho biết Vàng từng có lần cầm dao đi lòng vòng trong xóm khiến người dân lo lắng.
Cùng ngày, Trần Chí Thiện (SN 2000) đã dùng dao đâm trọng thương cha ruột sau khi lên cơn ngáo đá.
Trước đó, ngày 14-3, Cơ quan CSĐT Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) cũng đã tạm giữ hình sự Trần Đức Cường (SN 1973) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích. Theo điều tra ban đầu, trong khi "phê" ma túy đá, Cường đã dùng dao tự chế đâm 2 người bị thương. Cường là đối tượng HIV, có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Chiều 17-2, Nguyễn Hữu Quốc (SN 2002, ngụ thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) bị mẹ ruột là bà N.T.C la mắng về việc thường xuyên sử dụng trái phép ma túy. Bực tức, Quốc dùng thanh kim loại và lưỡi liềm, kéo tấn công người mẹ tử vong rồi tự gây thương tích cho mình. Một giờ sau, cha của Quốc là ông N.T.T đi làm về phát hiện sự việc nên báo cơ quan công an.
Giám sát chặt chẽ
Về vấn đề người nghiện ma túy sống trong cộng đồng, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết hiện nay Luật Phòng chống ma túy quy định đối với người bị nghiện, khuyến khích họ cai nghiện tự nguyện; đồng thời pháp luật hình sự đã bãi bỏ tội phạm về sử dụng ma túy. Nghĩa là người sử dụng ma túy không còn bị xem là tội phạm và không bị bắt buộc cai nghiện tập trung (nếu có nơi cư trú rõ ràng). Sự thay đổi này có những mặt tích cực nhưng cũng có mặt trái là bản thân người nghiện và gia đình không phải lúc nào cũng tự giác khai báo với chính quyền địa phương về tình trạng nghiện của đối tượng.
"Nguy hiểm là những đối tượng ngáo đá sống tự do, không ai biết để đề phòng. Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn được giao trách nhiệm quản lý người nghiện gặp nhiều bất cập bởi họ không thể quán xuyến, giám sát được những người nghiện ma túy, đặc biệt là người nghiện ma túy tổng hợp sống trong cộng đồng dân cư. Cũng vì thế sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý và là nỗi lo của những gia đình có người nghiện và hàng xóm của họ" - luật sư Nguyễn Văn Đức nói.
Luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng cần có một cơ quan chuyên trách quản lý và giám sát người nghiện ma túy. Nhiệm vụ của cơ quan này là giám sát chặt chẽ người nghiện, nếu phát hiện họ sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy đá, cần phải đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung để sàng lọc. Trường hợp bị nặng, bắt buộc cai nghiện từ 12 - 24 tháng, nhẹ thì từ 6 - 12 tháng.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư (thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM), nhận xét thời gian qua xảy ra nhiều vụ sử dụng ma túy dẫn đến các vụ gây thương tích, giết người. Ở tại cộng đồng, nếu không được giám sát, không được cai nghiện đúng cách rất dễ khiến người nghiện ngày càng nặng và một khi không kiểm soát, họ sẽ hành động như một người bị bệnh về tâm thần. "Rất nhiều cha mẹ vì thương con, không muốn con xa nhà nên đã nuông chiều con một cách mù quáng. Cho nên bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, rất cần sự chung tay đồng lòng từ phía gia đình, thường xuyên giám sát, nếu thấy có biểu hiện nghi ngờ thì cần cứng rắn đưa đi cai nghiện tập trung" - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.
Theo các bác sĩ, người nghiện ma túy đá lâu dài sẽ bị ảo giác, rối loạn tâm thần kéo dài, rất dễ bị kích động, dễ nổi giận, có thể hoang tưởng ảo giác, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi. Hiện chưa có phác đồ cai nghiện ma túy đá mà chỉ trị triệu chứng như người bệnh được cho dùng thuốc an thần khi bị kích động, dùng thuốc chống trầm cảm khi bị trầm cảm, dùng thuốc trị tâm thần phân liệt khi bị loạn thần… Người nhà nên đưa người bệnh đến trung tâm sức khỏe tâm thần hay các trung tâm cai nghiện ma túy để chữa trị.
Hiểm họa từ ma túy "lạ"
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) từng cấp cứu cho anh N.V.K (SN 1984; ngụ quận 4, TP HCM) bị tổn thương nặng do sử dụng ma túy "nước biển". K. cùng 3 người bạn chế ma túy nước biển vào rượu để nhậu, 1 người tử vong.
K. nhập viện trong tình trạng vật vã, bị tổn thương cơ vận động, tổn thương cơ tim dẫn đến bị suy thận nặng. K. được theo dõi và chạy thận, lọc máu. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, sau đó được điều trị hỗ trợ.
Trước đó, cuối tháng 5-2022, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 điều trị cho 5 bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, khó thở. Các bệnh nhân sau khi ăn chocolate 20 phút, xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu. Công an gửi mẫu chocolate các bệnh nhân đã ăn đi giám định thì phát hiện chất ADB-Butinaca có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẩu thảo mộc.
Theo Phạm Dũng (Nld.com.vn)