Khó có cơ hội cho xe con Nga giá rẻ tại Việt Nam

25/03/2016 10:15:06

Những khó khăn về thương hiệu cũng như đầu tư, sản xuất tạo rào cản lớn nếu các hãng xe con Nga muốn vào Việt Nam.

Những khó khăn về thương hiệu cũng như đầu tư, sản xuất tạo rào cản lớn nếu các hãng xe con Nga muốn vào Việt Nam.

Ngoài phục vụ thị trường trong nước, các liên doanh này còn sản xuất xe với mục tiêu xuất khẩu. Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường, đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô trong vòng 5 năm. Đây là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (VN – EAEU FTA) cắt giảm dần về 0%.
 

Lada Classic, biểu tượng một thời của xe Liên Xô.

 
Những hãng sản xuất ôtô mà hiệp định này nhắc tới là các hãng chuyên sản xuất xe tải và xe chuyên dụng như Kamaz, Gaz hay Uaz. Như vậy trong nghị định này, đối tượng "ôtô Nga vào Việt Nam" sẽ không bao gồm xe dưới 10 chỗ (ôtô con). Nói cách khác, thị trường xe con Việt sẽ không chào đón thêm các hãng xe Nga.

Thực tế, các hãng xe con Nga đang gặp khó khăn trong cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Lada, thương hiệu nổi tiếng và thành công nhất của hãng AvtoVAZ buộc khai tử năm 2012 khi không đạt yêu cầu về doanh số. May mắn cho Lada là 7 tháng sau đó, khi liên doanh Nissan-Renault nắm quyền kiểm soát AvtoVAZ đã khôi phục lại thương hiệu này, và sản phẩm bán chạy nhất hiện nay là Lada Granta, cũng thường nằm trong top bán chạy nhất thị trường.

Tuy nhiên, doanh số cao của Granta cũng không thể giúp Lada cũng như AvtoVAZ tránh khỏi những điêu đứng chung của thị trường. Năm 2015, doanh số của toàn ngành giảm khoảng 50% so với những năm 2012-2013, khi nền công nghiệp bốn bánh ở Nga bắt đầu khôi phục sau những biện pháp giải cứu của chính phủ. Vào thời điểm đó, quy mô thị trường của Nga đứng thứ 2 châu Âu sau Đức và thứ 8 thế giới, nhưng đến nay vị trí này tụt xuống thứ 5 châu Âu và 12 toàn cầu.

AvtoVAZ vẫn là hãng xe lớn nhất tại Nga. Theo báo cáo của hãng kiểm toán PWC, năm 2015 thị phần của Lada là 18,9%, xếp thứ hai là hãng xe Hàn Kia với 11,1% và sau đó là Hyundai 10%. Khoảng 10 cái tên xếp sau đều là các hãng xe nước ngoài như Renault, Toyota, Nissan, Volkswagen, Chevrolet, Skoda, Mercedes.

Vị trí top đầu đang bị đe doạ nghiêm trọng khi tình hình kinh tế tài chính của đất nước này bất ổn. Đồng rup mất giá mạnh kết hợp những biện pháp trừng phạt kinh tế của châu Âu khiến xe hơi Nga ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hầu hết các hãng xe Nga đều chỉ lắp ráp, còn lại những bộ phận phức tạp đều đi nhập khẩu từ nước ngoài, công nghiệp phụ trợ không phát triển.

Vì đồng rup mất giá nên giá linh kiện nhập khẩu đắt lên tương đối, đẩy chi phí lên cao. Để đạt chỉ tiêu lợi nhuận, bắt buộc hãng phải tăng giá bán. Nhưng cũng bởi tăng giá bán mà người dân Nga dần quay mặt với xe nội, tin dùng xe Hàn với giá rẻ hơn. Đồng thời giá đắt nên lượng xe xuất khẩu đi nước ngoài cũng dần tụt giảm.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu từng đưa ra cảnh báo lượng xe bán ra tại Nga trong 2016 có thể giảm 4,7% xuống mức 1,53 triệu xe so với 1,6 triệu xe của năm 2015. Các hãng xe Nga bị hãng nước ngoài đe doạ ngay tại Nga, trong khi việc tiếp cận thị trường nước ngoài khó khăn hơn bao giờ hết.
 

Lada Granta 2015, mẫu xe bán chạy nhất tại Nga.

 
Theo các chuyên gia, bởi tình trạng hiện nay, việc hãng xe Nga đầu tư sản xuất ở thị trường khác như Việt Nam là việc khó. Vốn đầu tư ban đầu lớn lại không thể chắc chắn có thể bán hàng với doanh số cao, mạo hiểm mở rộng thị trường chỉ làm khó khăn thêm chồng chất.

Lada là thương hiệu rất quen thuộc với khách hàng Việt, nhưng tiếng tăm đó không đảm bảo cho hiệu quả bán hàng. Lada là xe của vài chục năm trước, sau đó chính khách hàng Việt dần quay lưng với nhãn xe Liên Xô để tìm đến với xe Nhật, Mỹ, Hàn, Đức. Lý do nằm ở chất lượng sản phẩm, khi Lada gần như không có công nghệ nào đáng kể, lại hay hư hỏng vặt. Ngay cả hiện nay, hàm lượng công nghệ và tính năng tích hợp trên xe Lada khó lòng bì kịp với xe nước khác.

Ngoài ra, lớp khách hàng biết đến các thương hiệu xe Nga đều đã bước sang nửa kia của tuổi trung niên, không phải lứa tuổi chính có nhu cầu mua ô tô tại Việt Nam hiện nay. Những người trẻ lại không có ý niệm gì về xe Nga, do đó để tiếp cận vùng khách hàng này, hãng phải bắt đầu từ con số 0.

Những phân tích của các chuyên gia trong ngành cho thấy, viễn cảnh xe con Nga vào thị trường Việt là khó thành hiện thực, ít nhất là ở thời điểm này.
 
Theo Đức Huy (VnExpress.net)