Trong thời gian qua, các thành viên “hội” những người đi xe Ford bị chảy dầu ở nhiều địa phương trên cả nước đã liên tục nhóm họp để bàn cách đối phó với hãng. Trước mắt một số người sử dụng tình nguyện dán tờ nhận diện “xe chảy dầu” trên xe của mình để cảnh báo mọi người về vụ việc.
Thất vọng vì hãng khắc phục cũng như không
Sáng 7-6, những người đi xe Ford bị chảy dầu ở Hà Nội thuộc nhóm Ecoblue 2.0 Vietnam đã tổ chức họp để bàn cách đối phó với cách xử lý được cho “không thoả đáng” mà công ty Ford đang làm đối với xe của khách. Tại TPHCM, một cuộc họp tương tự cũng được tổ chức.
Sự kiện này tiếp nối hội nghị quy mô toàn quốc với tên gọi “Diễn đàn Ford Eco Blue Vietnam Lần 1” đã diễn ra tại Hạ Long, thu hút sự tham gia đông đảo của các khách hàng đang sở hữu những chiếc xe bị chảy dầu mang thương hiệu Ford.
Tại hội nghị này, ông H.T.D, một khách hàng của Ford cho biết, đến tháng 11-12, nếu công ty vẫn chưa có cách giải quyết phù hợp, ông và những người khác sẽ tiến hành khởi kiện tập thể ra toà án kinh tế.
Trước mắt, những người đi xe Ford động cơ Diesel 2.0L bị rò rỉ dầu quyết định dán logo kính lái để “nhận ra, chào hỏi và giao lưu với nhau”, đồng thời, dán những tờ băng rôn trên xe để truyền tải thông điệp về chiếc xe bị lỗi chảy dầu và cách xử lý thiếu thuyết phục của hãng Ford để nhiều người nhận biết.
Mục tiêu của nhóm Ecoblue 2.0 Vietnam được nêu rõ, trong ngắn hạn, hãng Ford phải sửa chữa, tăng bảo hành cho xe bị lỗi; Về dài hạn, hãng Ford không được bán xe bị lỗi ra thị trường, nhập xe lỗi vào Việt Nam, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhóm này hiện đã thu hút khoảng gần 500 thành viên.
Mới đây, sau gần 3 tháng bị khách hàng khiếu nại, Ford Việt Nam đã chính thức thừa nhận hiện tượng rò rỉ dầu ở một số dòng xe Everest, Raptor và Ranger trang bị động cơ Diesel 2.0L.
Cụ thể, Ford Việt Nam cho biết, “do chất lượng gia công bề mặt ống cứng két làm mát khí nạp của nhà cung cấp có thể không đồng đều về tiêu chuẩn độ nhẵn bề mặt, dẫn đến gioăng cao su của ống nạp không ôm khít, gây ra hiện tượng hơi ẩm dầu.
Quá trình chuẩn bị bề mặt và bôi keo mặt che dây đai cam trên một số xe không đảm bảo độ làm kín khu vực mặt lắp ghép chữ T, gây ngấm dầu từ trong khoang chứa cơ cấu dẫn động cam ra bên ngoài”.
Ford Việt Nam cho biết đã đào tạo cho các đại lý ủy quyền trên toàn quốc và cử các kỹ sư dịch vụ, kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật để giám sát tất cả các trường hợp sửa chữa ở đại lý.
Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tính tới ngày 13-5 Ford Việt Nam đã tiếp nhận và hoàn thành sửa chữa 439 xe ô tô liên quan các hiện tượng nêu trên. Việc kiểm tra và sửa chữa hiện tượng trên được thực hiện miễn phí theo chính sách bảo hành của Ford.
Tuy nhiên, theo phản ánh của khách hàng, nhiều xe sau khi được xử lý vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng rò rỉ dầu.
Ông Huỳnh N.T chia sẻ trên diễn đàn: “Chiếc xe của em mới lấy từ 21-4, dù được “trét keo” từ nhà sản xuất” nhưng vẫn bị rò rỉ dầu.
Ông Hoàng Q.B chia sẻ hình ảnh chiếc xe của mình và bức xúc: “Thật sự ko chấp nhận được. Xe mình đã đi làm thấm dầu bưởng cam và đây là kết quả sau một tuần sau khi xử lý. Bên hãng không câu trả lời, gọi điện ko nghe máy. Nếu tiếp tục sử dụng nguy cơ cháy nổ rất cao. Thật sự thất vọng cho một thương hiệu hàng trăm năm”.
Rất nhiều lời than phiền khác được khách hàng bày tỏ, sau khi họ mang xe đến đại lý để khắc phục sự cố. “Ai có ý định thay bưởng cam và trát keo thì dừng lại nhé, em làm 3 lần rồi vẫn… toang”; “Chính thức toang lần nữa sau mốc 6000 km. Lời khuyên cho ai chưa đi làm (trát keo) thì cố mà đi chứ làm xong cũng chỉ mất công”, “Xử lý mặt cam tại Ford Đà Nẵng, chưa đi được 1000 km đã bị lại. Mọi lời nói của Ford đều vô nghĩa”…
Cục Đăng kiểm vào cuộc
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản cho biết, dựa trên những phản ánh của người tiêu dùng về hiện tượng bị chảy dầu động cơ trên các dòng xe ô tô Ford Ranger và Ford Everest, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Ford Việt Nam và đại diện Hội người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến vụ việc này.
Để có căn cứ giải quyết vụ việc, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp giữa đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Phòng Chất lượng xe cơ giới, Phòng Kiểm định xe cơ giới), đại diện Công ty TNHH Ford Việt Nam, đại diện Hội người tiêu dùng tại Cục Đăng kiểm. Cuộc họp sẽ trao đổi kỹ hơn về các vấn đề kỹ thuật có liên quan.
Đây là một tín hiệu tích cực cho người tiêu dùng khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc lắng nghe kiến nghị của các chủ xe kể từ ngày sự cố bị phát hiện. Sau 3 tháng kiến nghị đòi quyền lợi, nhóm các chủ xe Ford bị lỗi rò rỉ dầu đang rất mong chờ vào kết quả buổi họp, hy vọng sẽ có phương án khắc phục hợp lý cho người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 29-5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng có văn bản gửi đến nhóm người tiêu dùng sử dụng xe Ford lỗi rò rỉ dầu với nội dung cập nhật thông tin giải quyết khiếu nại.
Qua quá trình trao đổi với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Công ty Ford Việt Nam đã thực hiện báo cáo và xin ý kiến của Tập đoàn Ford về việc gia hạn bảo hành đối với linh, phụ kiện được thay thế sửa chữa phát sinh trong quá trình sửa chữa hiện tượng rò rỉ dầu.
Theo đó, Ford Việt Nam sẽ có thông báo chi tiết về chính sách này trong tháng 6, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng sẽ thực hiện theo dõi, giám sát Ford Việt Nam trong quá trình thực hiện thông tin này tới người tiêu dùng.
Các chủ xe đang trông chờ vào động thái tiếp theo của Ford Việt Nam để có những hoạt động phù hợp cho quá trình đấu tranh đòi quyền lợi.
Trong buổi thảo luận ngày 31-5 của những người tiêu dùng đang sử dụng dòng xe Ford trang bị động cơ Diesel 2.0L có lỗi rò rỉ dầu, đại diện nhóm người tiêu dùng còn đưa ra phương án sẽ viết thư kêu cứu Thủ tướng nếu như Ford Việt Nam không chịu nhận lỗi và triệu hồi xe.
Thậm chí, đại diện nhóm người tiêu dùng cho biết, nếu vấn đề vẫn không được giải quyết thì nhóm sẽ khởi kiện tập thể Ford Việt Nam ra tòa án kinh tế.
Ông Đ.T.T, thành viên của một nhóm những người có xe bị lỗi tuyên bố: “Việc xe Ford bị đại trà chứng tỏ sản phẩm có khuyết tật, mà đã khuyết tật là phải thu hồi”.
Theo V.Dũng - Minh Đức (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online)