Xe Ford chảy dầu, Cục giám sát hãng giải quyết thỏa đáng cho khách

11/05/2020 10:22:40

Liên quan đến vụ khách hàng tố xe Ford Ranger Wildtrak, Everest và Raptor 2.0L Bi-Turbo chảy dầu, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ giám sát chặt chẽ quá trình Ford VN giải quyết khiếu nại, đảm bảo vụ việc được giải quyết thỏa đáng.

Sau 2 tháng phản ánh hiện tượng rò rỉ dầu trên mặt cam động cơ máy (mặt bưởng máy) và ống nối với bộ làm mát khí nạp (cổ hút turbo), mới đây, nhóm các khách hàng sử dụng xe Ford bị ảnh hưởng đã chính thức gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương và Cục Đăng Kiểm, Bộ Giao thông vận tải.

Tiếp nhận vụ việc trên, Cục CT&BVNTD đã có cuộc làm việc với các đại diện các nhóm khách hàng hôm 8/5 để tìm hiểu sự việc.

Khách đề nghị Ford thanh toán chi phí phát sinh, dừng bán xe lỗi

Mặc dù số lượng khách hàng phản ánh sự cố trên mạng xã hội được cho là đã lên tới 1.000 trường hợp, song, chính thức làm việc với Cục CT&BVNTD chỉ có 73 khách chia thành 2 nhóm, trong đó, 1 nhóm 64 khách hàng ở Hà Nội ủy quyền cho ông Hoàng Trung Dũng (một chủ sở hữu xe Ford Range Wildtrak động cơ EcoBlue 2.0 Bi Turbo) đã gửi đơn ngày 14/4 và 1 nhóm 9 khách ủy quyền cho ông Đặng Thanh Tùng gửi đơn ngày 4/5. Buổi làm việc do ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD chủ trì.

Xe Ford chảy dầu, Cục giám sát hãng giải quyết thỏa đáng cho khách
Vết chảy dầu trên mặt nắp cam động cơ xe Ford được khách phản ánh

Theo nội dung cuộc họp, nhóm các khách hàng bị ảnh hưởng lo ngại, hiện tượng chảy dầu trên xe Ford sẽ dẫn tới hậu quả hao dầu, nguy cơ cháy nổ khoang động cơ, đặc biệt khi xe nổ máy lâu trong nền nhiệt độ có thể nóng ở Hà Nội. Việc chảy dầu cũng sẽ ảnh hưởng đến tiêu chuẩn khí thải và vệ sinh môi trường.

Từ đó, nhóm khách đưa ra 5 yêu cầu đối với Ford Việt Nam cũng như 5 kiến nghị đến Cục trong vụ xe chảy dầu.

Cụ thể, thứ nhất, công ty phải nhanh chóng có giải pháp khắc phục triệt để hiện tượng kỹ thuật, đề nghị công bố thông tin và hướng dẫn sửa chữa.

Thứ hai, công ty phải triệu hồi đối với các dòng xe có hiện tượng kỹ thuật trên. Các khách hàng nghi ngại rằng, đây là lỗi thiết kế động cơ nên đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân của hiện tượng này.

Thứ ba, công ty phải gia hạn thời gian bảo hành đặc thù đối chi tiết xe bị hiện tượng trên sau khi hết hạn bảo hành, cụ thể là thêm 3 năm hoặc 100.000km đối với các chi tiết sau sữa chữa.

Thứ tư, công ty dừng bán dòng xe lỗi. Khi nào khắc phục xong hiện tượng chảy dầu, công ty mới đưa ra sản phẩm thị trường.

Yêu cầu thứ năm, các khách đề nghị phía Ford Việt Nam phải thanh toán các chi phí phát sinh cho người tiêu dùng trong quá trình bảo hành như chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa…

Cục khuyến nghị khách hàng hợp tác thiện chí với Ford

Lắng nghe ý kiến của các khách hàng, Cục CT&BVNTD cho biết, ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại, Cục đã chuyển hồ sơ đến công ty Ford Việt Nam để xác minh và lên phương án giải quyết.

Xe Ford chảy dầu, Cục giám sát hãng giải quyết thỏa đáng cho khách - 1
Xe Ford Ranger Wildtrak 2.0L Bi-Turbo của anh Trương Văn An, Quỳ Hợp, Nghệ An đang được kỹ thuật viên Ford xử lý

Quan điểm của Cục này là tư vấn, hỗ trợ tối đa cho hai bên để giải quyết thành công vụ việc.

Cụ thể như, Cục sẽ giám sát quá trình công ty giải quyết với khách hàng/ Nếu phát sinh vấn đề, Cục sẽ phối hợp với cơ quan chuyên ngành để có giải pháp xử lý triệt để hiện tượng.

Đối với yêu cầu triệu hồi xe, Cục CT&BVNTD cho rằng cần phải làm rõ tiêu chí “hàng hóa khuyết tật”, cụ thể là loại hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng theo Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng để có căn cứ xác định trách nhiệm thu hồi.

Đối với yêu cầu gia hạn thời gian bảo hành, Cục CT&BVNTD cho rằng công ty Ford sẽ làm việc với khách hàng để có phương án thống nhất cụ thể cho từng trường hợp.

Riêng về đòi hỏi của khách hàng việc Ford phải thanh toán chi phí phát sinh khi đi bảo hành, cơ quan trên cũng cho rằng, Ford Việt Nam phải có trách nhiệm miễn phí sữa chữa hiện tượng chảy dầu. Khách có quyền khiếu nại nếu các đại lý của Ford thu phí khoản dịch vụ này. Còn với các chi phí khác, Cục đề nghị các khách nên thu thập chứng từ để đàm phán với công ty, nếu bất thành thì có thể khởi kiện ra trọng tài hoặc tòa án.

Về tổng quan vụ việc, Cục CT&BVNTD khuyến nghị nhóm khách hàng cần thiện chí phối hợp với công ty Ford Việt Nam để khắc phục.

Trao đổi với VietNamNet, công ty Ford Việt Nam cho biết đang nỗ lực liên lạc và mời các khách hàng gặp hiện tượng chảy dầu đến kiểm tra xe và hỗ trợ khắc phục. Lệnh cách ly xã hội trong 3 tuần của tháng 4 cũng phần nào gây gián đoạn việc giải quyết cho khách hàng. Hiện, toàn bộ giải pháp kỹ thuật để khắc phục hiện tượng chảy dầu đã được Ford Việt Nam cập nhật từ hãng mẹ và đang triển khai tại tất cả các hệ thống đại lý chính hãng.

Tính tới thời điểm này, hãng đã khắc phục miễn phí cho khoảng 285 xe. Toàn bộ linh kiện để thay thế cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khách hàng mới chỉ phản ánh hiện tượng nhưng chưa muốn mang xe đến kiểm tra.

Đồng thời, Ford Việt Nam vẫn khẳng định, hãng đã nghiên cứu kỹ thuật và đánh giá, hiện tượng chảy dầu khiến khách bất tiện khi phải đi bảo hành nhưng không dẫn tới hao dầu hay nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho động cơ theo tiêu chí "hàng hoá khuyết tật " cần thu hồi. 

Dự kiến, ngày 15/5 tới, Cục CT&BVNTD sẽ làm việc với Ford Việt Nam về các vấn đề trên.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định: 

Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng (Điều 3).

Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường, đồng thời, thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa, nêu rõ lý do thu hồi và cảnh báo nguy cơ thiệt hại, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa, các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa (Điều 22).

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng (Điều 23)

Theo Phạm Huyền- Đình Quý (VietNamNet)