Chỉ cần thả rơi ở vận tốc 0,44 mét/giây, một quả dưa hấu đã có thể bị vỡ vụn thành trăm mảnh. Thế nhưng, ở một vận tốc tương tự, lốp của những chiếc máy bay khi hạ cánh gần như không gặp phải bất kỳ hư hại nào, kể cả khi chúng luôn phải “gánh” một khối lượng lên tới hơn 200 tấn.
Vậy bí quyết nào giúp những chiếc lốp máy bay có thể chịu được áp lực lớn đến như vậy?
Theo Brandy Moorhead, chuyên gia từ hãng sản xuất lốp xe và máy bay Goodyear, lốp máy bay được hình thành từ sự kết hợp giữa các hợp chất cao su tổng hợp đặc biệt, kết hợp với thép gia cố bằng nhôm cùng chất liệu vải nylon hoặc một loại sợi nhân tạo chất lượng cao có tên gọi aramid.
Bên cạnh đó, lốp máy bay thường được bơm căng gấp 2 lần lốp xe tải và gấp 6 lần lốp xe hơi. Không những thế, lốp máy bay được bơm căng không phải bằng các loại khí thông thường, mà bằng nitro, một loại khí trơ ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ và áp suất không khí.
Do được cấu tạo để có thể chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt nhất, nên một chiếc lốp máy bay phải trải qua các công đoạn thử nghiệm nghiêm ngặt về vận tốc, áp suất và khả năng chịu được tải trọng lên tới 38 tấn. Vì vậy, chúng có cấu tạo rất khác và cứng cáp hơn hẳn so với các loại lốp của những phương tiện như ô tô, xe tải.
Một máy bay thương mại thường có khoảng 20 lốp, và thường sau khoảng 500 lần ma sát với mặt đất thì chúng sẽ được bảo dưỡng một lần. Một chiếc lốp ở thân và đuôi máy bay sẽ được thay mới nếu đã trải qua 7 lần bảo dưỡng, trong khi chiếc lốp ở đầu máy bay thường có tuổi thọ bảo dưỡng ngắn hơn.
Theo Lee Bartholomew, kỹ sư trưởng bộ phận thử nghiệm lốp máy bay của hãng Michelin, yếu tố quan trọng nhất để duy trì độ bền của một chiếc lốp là tối đa hóa áp suất. Đó là một trong những lý do vì sao lốp máy bay thông thường được bơm căng với áp suất gấp 6 lần áp suất ở lốp xe hơi.
Để phát triển một mẫu lốp mới, hoặc nâng cấp một loại lốp máy bay sẵn có, các nhà sản xuất như Michelin thường bắt đầu với bản mô phỏng trên máy tính, sau đó là các cộng đoạn đánh giá mẫu thử nghiệm khi đưa phiên bản này ra thực tế. Tiếp theo, họ kiểm tra điều gì sẽ xảy ra khi lốp máy bay bị quá tải hoặc vượt quá vận tốc tối đa trong lúc cất cánh và hạ cánh.
Theo quy định, một chiếc lốp máy bay đạt chuẩn phải chịu được áp suất gấp 4 lần mức ghi trên lốp trong thời gian tối thiểu là 3 giây.
Dù vậy, lốp máy bay vẫn có thể phát nổ, đặc biệt là khi bị non hơi hoặc bơm quá căng. Song theo ông Bartholomew, khả năng này gần như là không thể vì trên thực tế, nếu bị bơm quá căng, vành bánh máy bay sẽ bị hỏng trước cả lốp máy bay.
Theo Việt Anh (VietNamNet)