Những mối lo mà người Việt phải đối mặt nếu mua ô tô điện

19/10/2021 13:54:29

Thị trường ô tô điện Việt Nam sắp đón nhận làn sóng mới khi dòng xe giá phổ thông Vinfast được bán rộng rãi kèm hơn 10.000 cổng sạc tại 62/63 tỉnh thành, nhưng kèm theo đó là những mối lo có thật mà người dùng sẽ phải đối mặt.

 

Kỷ nguyên của ô tô chạy điện tại Việt Nam có lẽ đã bắt đầu ngay sau những con số mà hãng xe Vinfast công bố: đã lắp đặt hơn 10.000/40.000 cổng sạc tại 62/63 tỉnh thành. Còn giá chiếc VinFast VF e34 là 690 triệu đồng (đã bao gồm VAT), chỉ tương đương một mẫu SUV cỡ B hoặc MPV cỡ nhỏ chạy xăng.

Trước lễ ra mắt ngày 15/10, VinFast xác nhận đã có khoảng 25.000 đơn đặt hàng cho VF e34 sau 3 tháng mở bán. Dự kiến xe giao khách sẽ bắt đầu từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Trong khi đó, Trường Hải cũng đã lên kế hoạch bán mẫu xe điện Kia EV6 từ Quý II năm 2022. Các mẫu xe điện Châu Âu như Audi e-tron G, Mercedes-Benz EQS và EQB cũng rục rịch mở bán. Tất cả đang tạo nên một thị trường ô tô điện hiện hữu ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, khác với xe máy điện, ô tô điện vẫn còn quá xa lạ với người dân Việt Nam. Bên cạnh sự háo hức đợi chờ, chúng ta cũng nên đề cập đến những mối lo có thật mà người Việt sẽ phải đối mặt nếu mua ô tô điện.

Sạc điện, mối quan tâm hơn cả chỗ để xe

Khi mua ô tô chạy xăng dầu, phần lớn người dân đều phải tính trước chỗ đỗ. Thậm chí trên thế giới, có những thành phố (ví dụ Bắc Kinh, Trung Quốc) chỉ cho phép người dân đăng ký xe nếu chứng minh được bãi đỗ. Với ô tô điện cũng vậy, nhưng ngoài chỗ đỗ còn đi kèm với trụ sạc điện.

Để giải quyết câu trả lời "sạc điện ở đâu?", hãng Vinfast đưa ra 3 lựa chọn cho khách hàng, gồm: sạc tại các trạm sạc nhanh, cổng sạc công cộng do hãng xe xây dựng; sạc bằng cổng sạc di động mang theo xe; và bộ sạc treo tường đặt tại nhà.

Ba lựa chọn trên có sự khác biệt xoay quanh thời gian sạc. Trạm sạc nhanh có thời gian sạc đạt đến 70% pin từ mức 10% là 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Cùng dung lượng này, bộ sạc di động cần từ 7 đến 11 tiếng, và sạc treo tường là khoảng 3 tiếng 15 phút.

Như vậy, khác với ô tô chạy xăng, dầu có thể đổ nhiên liệu ở bất cứ đâu có cây xăng và thời gian chỉ vài phút. Giờ đây người dùng ô tô điện sẽ phải tính toán nơi ở, điểm đến, chỗ dừng nghỉ để sạc điện. Nếu nhàn rỗi thì đơn giản, nhưng với người bận rộn, đôi lúc bị công việc cuốn đi thì việc phải thêm một quỹ thời gian cho việc sạc ô tô quả là đau đầu.

Sự quan trọng của chỗ sạc điện có thể thấy ngay bằng hình ảnh ở Trung Quốc, tại một số nơi khi người dân quá dễ dàng mua được ô tô điện dẫn tới thiếu trạm sạc, họ đã sáng tạo ra cách sạc không tưởng như: ròng dây điện từ trên tầng cao xuống sân chung cư, sạc ngay tại cột điện..v..v

Những mối lo mà người Việt phải đối mặt nếu mua ô tô điện
Hình ảnh "sáng tạo" sạc ô tô điện ở Trung Quốc gây cười vì tiềm ẩn rủi ro an toàn 

Bên cạnh đó, việc nhiều hãng xe cùng bán ô tô điện tiếp tục đặt ra câu hỏi: liệu có thể cùng sạc chung một trụ sạc? Hiện tại, mới chỉ có Vinfast đầu tư xây dựng các trạm sạc trên cả nước dùng cổng cắm điện xoay chiều AC Type 2, hay còn gọi là chuẩn J1772 phù hợp với nhiều dòng ô tô điện (trừ Tesla). Vì thế, người mua đang chờ đợi câu trả lời của hãng xe Việt về cách thức chia sẻ trạm sạc với các đối thủ. 

Ai mới nên dùng ô tô điện?

Từ việc sạc điện không đơn giản như ô tô chạy xăng dầu, chúng ta cần đặt tiếp câu hỏi "ai mới nên dùng ô tô điện?". Hẳn đa số sẽ nghĩ đến ô tô điện chỉ phù hợp hoạt động quanh quẩn thành phố, nơi ở là chính dù hãng xe nói sẽ lắp đặt đầy đủ ở khắp các tỉnh thành, trạm dừng nghỉ.

Với bộ pin dung lượng 42kWh, xe ô tô điện VF e34 có thể đi được quãng đường tối đa khoảng 285km sau mỗi lần sạc đầy. Thậm chí có những mẫu xe như Tesla Model X có tầm hoạt động là 580 km, hay Porsche Taycan là 400 km.

Những mối lo mà người Việt phải đối mặt nếu mua ô tô điện - 1
Ô tô điện sẽ khó phổ cập nếu thiếu trạm sạc

Về lý thuyết, người dùng xe VF e34 chỉ đi lại hàng ngày dưới 100 km sẽ tiêu thụ khoảng 40-50% dung lượng pin. Sẽ không thành vấn đề nếu sau đó chủ xe cắm cắm sạc tại trạm sạc nhanh hoặc cắm sạc ở nhà qua đêm. 

Tuy nhiên, với thực tế các đô thị ở Việt Nam đang tồn tại kiểu nhà ống mặt tiền hẹp, hay chung cư kiểu cũ thiếu bãi đỗ xe thì có thêm những trạm sạc nhanh sẽ rất khó khăn và tốn kém. Ngay cả đô thị Vinhomes thuộc hệ sinh thái xe Vinfast cũng đang tồn tại tình trạng thiếu chỗ để xe, không lấy gì đảm bảo chỗ sạc điện sẽ luôn được dành cho ô tô điện hay sẽ bị tranh chấp bởi những chiếc xe khác không dùng điện.

Tin vui là theo báo cáo của Consumer Reports - một tổ chức người tiêu dùng phi lợi nhuận của Mỹ chuyên về thử nghiệm sản phẩm độc lập, hầu hết các lái xe ở Mỹ đi ít hơn 64 km một ngày, khiến cho một chiếc ô tô điện có dung lượng pin tầm ngắn cũng phù hợp với hầu hết cư dân thành thị hoặc các gia đình cần một chiếc ô tô thứ hai. 

Đối với người dùng ô tô điện cho quãng đường dài, kế hoạch xây 40.000 trụ sạc điện trên khắp cả nước và tiếp tục tăng thêm của Vinfast là để đưa ô tô điện thuận tiện như xe động cơ đốt trong. Nhưng khi công nghệ sạc điện siêu nhanh vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và khó triển khai rộng khắp trong thời gian ngắn, thì tài xế vẫn phải vận dụng đầu óc để tính toán đường đi, chỗ nghỉ để tranh thủ nạp điện. Điều này với nam giới có thể quen, nhưng sẽ là thử thách cho chị em. Consumer Reports đã kết luận ô tô điện hiện chưa được giới tài xế lái xe đường dài đưa vào lựa chọn vì lý do tốn thời gian sạc.

Ô tô điện cũng ngốn điện cho những nhu cầu căn bản ngoài việc lăn bánh

Xe điện, đúng như tên gọi của nó là dùng nguồn điện lưu trữ trong bộ pin để nuôi hoạt động của động cơ. Thế nhưng, một chiếc ô tô đúng nghĩa không chỉ lăn bánh mà nó cũng phải phục vụ những nhu cầu quen thuộc ngày nay của người dùng như: bật máy lạnh, sưởi ấm, giải trí.

Tạp chí Car and Drive đã có thử nghiệm khá thực tế trên các mẫu xe điện, và nhận thấy rằng, quãng đường ô tô điện đi được tỷ lệ nghịch với lượng điện tiêu thụ.

Ví dụ như xe Tesla Model 3 trang bị lò sưởi điện, khi trời lạnh xe có thể giảm đến 30% quãng đường di chuyển nếu bật nấc cao nhất và giảm 20% khi để tự động. Ngoài ra, các hệ thống hỗ trợ như Autopilot, giải trí, kết nối không dây... cũng cần tiêu thụ điện và nguồn chia sẻ năng lượng duy nhất tất nhiên vẫn là bộ pin. Rõ ràng, xe càng nhiều option, ô tô điện sẽ càng phải chia sẻ nguồn pin bên cạnh dùng cho động cơ, và dẫn đến quãng đường đi sẽ giảm. Còn nếu cắt giảm các trang bị tiện nghi, công nghệ, chẳng khác nào khiến khách hàng quay lại với ô tô động cơ đốt trong.

Không phải gara nào cũng sửa được ô tô điện

Đây là một thực tế hiện hữu bởi theo khảo sát của phóng viên VietNamNet tại các gara lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội, phần lớn chủ gara cho biết chưa từng được tiếp xúc với ô tô điện nên gần như không có kinh nghiệm sửa chữa nếu được yêu cầu. Trong khi đó, lượng tiêu thụ ô tô động cơ xăng dầu ở Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn (đến nay đã đạt hơn 400.000 xe/năm), cộng thêm tiêu chuẩn khí thải chưa khắt khe nên ô tô cũ còn "đất sống" khỏe. Đó cũng là lý do khiến nhiều chủ xưởng gara không có nhu cầu chuyển đổi để chạy theo một sản phẩm còn quá mới.

Về vấn đề này, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và xe chuyên dùng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lại cho rằng không đáng ngại, bởi ô tô điện khi được bán ra thị trường thì các hãng xe sẽ tự phải đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho nhân viên các đại lý. “Ô tô điện có nhiều điểm lợi hơn động cơ đốt trong như công suất mạnh, không bị khống chế mô-men xoắn, pin đặt ở sàn có lợi thế về trọng tâm tăng độ an toàn, dễ lái, dễ cập nhật công nghệ và nhất là bảo dưỡng định kỳ không tốn kém’, PGS. TS Phúc nhận định.

Chi phí dùng ô tô điện sẽ thêm khoản thuê pin 

Nếu như ô tô dùng động cơ xăng, dầu thường được chẻ chi phí như: nhiên liệu, gửi xe, bảo dưỡng, phí đường bộ, đăng kiểm, thì ô tô điện cũng có chi phí tương tự, nhưng có thêm khoản tiền thuê pin. 

VinFast cho biết khách hàng mua xe VF e34 có thể sử dụng gói thuê bao pin là 1.450.000 đồng/tháng dành cho quãng đường di chuyển 1.400km (mức di chuyển trung bình ít nhất của 1 xe ô tô trong 1 tháng). Nếu đi quá quãng đường 1.400km, khách hàng trả thêm 998 đồng/km.

Chi phí tiền điện sạc xe là 484 đồng/km (tính theo mức giá điện sinh hoạt bậc 5 hiện nay là 3.117 đồng/kW và mức tiêu hao năng lượng trung bình 15,52 kW/100km). Tính chung theo từng km, tổng chi phí vận hành ô tô điện VinFast VF e34 (gồm thuê pin và sạc điện) là 1.482 đồng/km, rẻ hơn so với một chiếc xe xăng có mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 7,8 lít/100km, tiền đổ xăng sẽ là 1.631 đồng/km.

Tuy nhiên, với những người ít dùng xe thường xuyên thì tiền thuê pin sẽ trở nên tốn kém so với việc đổ nhiên liệu 500.000 đồng đến 1 triệu đồng chạy cả tháng. Chưa kể phải việc phải bỏ thêm tiền đầu tư cải tạo lại hệ thống điện trong nhà nếu muốn lắp thêm bộ sạc. 

Theo Đình Quý (VietNamNet)

Nổi bật