Thời gian gần đây, ông Thích Minh Tuệ và hành trình tu tập của mình đã nhận được sự quan tâm cũng như các ý kiến từ dư luận.
Bỏ qua những thông tin và tranh cãi không đáng có, liên quan đến sự việc này, có một ngành học tại Việt Nam cũng bất ngờ được nhiều người nhắc đến trên khắp các diễn đàn. Không ít netizen cảm thấy bất ngờ bởi sự tồn tại của chương trình học này tại một số trường đại học, đồng thời tò mò về những nội dung giảng dạy và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên theo học ngành này. Đó chính là ngành Tôn giáo học.
Tôn giáo học, nghe quen mà lạ
Tôn giáo dục là chuyên ngành cung cấp những kiến thức lý luận, thực tiễn về Tôn giáo và các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ giúp bổ trợ về lĩnh vực Tôn giáo học. Với các kiến thức chuyên môn nền tảng này, người học sẽ đóng nhiệm vụ quan trọng cho các công việc liên quan đến tôn giáo, tham mưu các cách quản lý, xử lý vấn đề...
Sinh viên sẽ được học các kiến thức liên quan đến phương pháp nghiên cứu Tôn giáo học, các Tôn giáo Việt Nam và Thế giới, Tôn giáo tín ngưỡng đối với đời sống - xã hội, hiện tượng Tôn giáo trong quá khứ và hiện đại... Bên cạnh đó, người học cũng được trang bị thêm các kiến thức kỹ năng mềm, ngoại ngữ... để phục vụ cho công việc trong tương lai.
Mặc dù vậy, ngành học này lại có mức điểm tuyển sinh tại một số trường tương đối ổn định, không quá cao để sinh viên có thể dễ dàng lựa chọn theo học. Tôn giáo học cũng có một số yêu cầu nhất định ở người học như: Lập trường trong các vấn đề vững vàng, có tư duy chính kiến, đam mê với lĩnh vực tôn giáo, sự kiên nhẫn...
Bởi tính đặc thù và sự "kén chọn", hiện có rất ít trường đào tạo ngành này tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Người học có thể tham khảo qua một số trường như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học An ninh Nhân dân... Ngoài ra, Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đào tạo Tiến sĩ hay Trung tâm nghiên cứu Tín ngưỡng và Tôn giáo - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đào tạo Thạc sĩ ngành này.
Không phải cứ học Tôn giáo là đi "xuất gia"
Khi nghe đến Tôn giáo học, nhiều người vẫn nghĩ rằng ngành học này chỉ dành cho những người "xuất gia", thậm chí không có nhiều điều kiện về cơ hội nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên cũng rất đa dạng với nhiều nhóm ngành trong thị trường lao động.
Sau khi hoàn thành chương trình, người học có thể trở thành giảng viên tham gia giảng dạy các lĩnh vực có liên quan, trở thành cán bộ nghiên cứu và hay phụ trách chuyên môn tôn giáo, hoạt động trong lĩnh vực phóng viên hoặc biên tập viên về tôn giáo... Về mức lương, điều này vẫn phụ thuộc lớn vào kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của mỗi cá nhân.
"Dù không hoạt động trong lĩnh vực thuần về tôn giáo nhưng với mình ngành học này đã thay đổi rất lớn về tư duy của mỗi sinh viên. Tôn giáo học cũng giúp ít mình trong công việc hiện tại, đặc biệt là nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan và đa chiều, thay vì vội vàng đánh giá mọi thứ xung quanh", một sinh viên bình luận trong bài đánh giá về Tôn giáo học.
Theo Huy (Phụ Nữ Số)