Theo đó, nghiên cứu của Đại học Thể thao Đức Cologue, Đại học Ruhr Bochum, Đại học Johannes Gutenberg Mainz (Đức) cùng các trường đại học Bern và Basel ở Thụy Sĩ đã chỉ ra rằng, những người ở độ tuổi 60 có nhiều khả năng hạnh phúc hơn và nhìn chung họ cũng tự tin hơn hầu hết những người trẻ.
Tại sao lại như vậy?
Con người có sức khỏe tinh thần tốt hơn ở độ tuổi 60
Trí óc của con người có thể trở nên tốt hơn theo tuổi tác. Trong một nghiên cứu năm 2016, các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 1.500 người ở mọi lứa tuổi khác nhau về sức khỏe thể chất, nhận thức và tinh thần. Kết quả cho thấy ở độ tuổi 20 và 30 có mức độ trầm cảm, lo lắng, căng thẳng cao nhất và mức độ hạnh phúc thấp hơn so với những người ở những thập kỷ trước. Mặc dù đại dịch làm tăng tỷ lệ mắc bệnh trên mọi phương diện, kể cả ở những nhóm dân số lớn tuổi hơn, những người trên 50 tuổi vẫn có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm thấp nhất.
Dilip Jeste, bác sĩ tâm thần và là một trong những tác giả của nghiên cứu, nói rằng điều này có thể là do chúng ta có nhiều khả năng gạt bỏ những tác nhân gây căng thẳng hàng ngày khi về già và cũng khôn ngoan hơn, từ đó làm tăng thêm hạnh phúc.
Cuộc sống ổn định hơn khi già đi
Một bài báo năm 2018 trên tạp chí Tâm lý học ngày nay cho thấy sự tự tin đạt đỉnh điểm ở độ tuổi 60. Thông thường, nhiều người gặp khó khăn trong những năm 20 hay 30 tuổi khi mới lập nghiệp. Điều này khiến nhiều người dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản, phải chạy theo cuộc đua cơm áo gạo tiền.
Trong khi đó, khi ở độ tuổi 60, con người có thể đã hình thành được những mối quan hệ vững chắc, được thăng chức trong công việc hoặc con cái đã trưởng thành, ổn định. Do đó, đây được nhiều người xem là độ tuổi hạnh phúc khi họ trở nên điềm tĩnh, tận hưởng cuộc sống hơn.
Khi già đi, hạnh phúc có nghĩa là hài lòng với những gì mình có
Theo nghiên cứu, mức độ hài lòng với cuộc sống của một đứa trẻ giảm dần trong độ tuổi từ 9 đến 16, tăng nhẹ cho đến khi đạt đỉnh ở tuổi 60. Trạng thái cảm xúc tích cực liên tục suy giảm từ 9 tuổi đến 94 tuổi, trong khi cảm xúc tiêu cực dao động nhẹ trong độ tuổi từ 9 đến 22, giảm dần đến 60 tuổi trước khi tăng trở lại.
Lý giải cho điều này, Susanne Bucker, trợ lý giáo sư tại Đại học Thể thao Đức Cologne thuộc nhóm nghiên cứu, cho rằng hiện tượng giảm mức độ hài lòng về cuộc sống là kết quả do thay đổi ở tuổi dậy thì, cùng nhiều tác động bên ngoài.
Một nghiên cứu đăng trên Atlantic cho thấy những người trẻ tuổi có nhiều khả năng mô tả hạnh phúc là những lúc họ cảm thấy ngây ngất hoặc phấn chấn. Còn người lớn tuổi mô tả cảm giác hạnh phúc khi họ bình yên, tĩnh lặng hoặc thư thái, điều này bắt nguồn từ việc hài lòng với hiện tại hơn là phấn khích với những gì phía trước.
Theo các tác giả của nghiên cứu, sự thay đổi này có thể do cảm giác kết nối với người xung quanh và sống vui ở hiện tại khi bạn già đi.
Tuy nhiên, không ít người ở độ tuổi sau 60 vẫn cảm thấy không hạnh phúc và không hài lòng với cuộc sống. Việc một người ít cảm thấy hạnh phúc ở độ tuổi này có thể là do bệnh tật hoặc các hoạt động thể chất kém, sức khỏe suy giảm và giảm các mối quan hệ xã hội.
"Cảm xúc tích cực có xu hướng giảm dần từ thời thơ ấu đến cuối tuổi trưởng thành, có xu hướng xấu đi khi tuổi tác ngày càng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người già bởi hoạt động thể chất giảm sút, sức khỏe suy giảm, các mối quan hệ xã hội co hẹp và đặc biệt là lúc bạn đời hoặc đồng nghiệp qua đời", bà Bucker suy đoán.
Con người ít có phản ứng cảm xúc tiêu cực hơn khi già đi
Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy những người lớn tuổi có biểu hiện giảm hoạt động ở hạch hạnh nhân, vùng não liên quan đến căng thẳng và phản ứng cảm xúc, khi họ được xem những hình ảnh tiêu cực. Điều này có nghĩa là phản ứng với những thứ tiêu cực có thể ít dữ dội hơn khi chúng ta già đi .
Khi nói đến độ tuổi hạnh phúc, rất nhiều nghiên cứu về chủ đề này được thực hiện theo thời gian cho thấy nó thường đi theo đường cong hình chữ U, nghĩa là hạnh phúc ở mức cao nhất khi bạn ở độ tuổi 20, sau đó giảm xuống ở tuổi trung niên và tăng trở lại vào cuối những năm 60. Vì vậy, nghỉ hưu không phải là lần duy nhất con người đạt đến độ tuổi hạnh phúc.
Ngoài ra, sự thật đơn giản là bất kỳ ai cũng có thể nâng cao cảm giác hài lòng hoặc tự tin. Tuổi tác không nhất thiết quyết định mức độ vui vẻ, mà đúng hơn là thói quen quyết định. Và có rất nhiều điều con người có thể thực hành để giúp mình đạt đến trạng thái hạnh phúc.
Theo Phương Anh (Gia Đình Việt Nam)