Thức ăn chín để trong tủ lạnh được bao lâu và lưu trữ thực phẩm trong thời gian nào để đảm bảo dinh dưỡng tối đa luôn là thắc mắc của nhiều bà nội trợ. Việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định, quá thời hạn thực phẩm sẽ mất chất dinh dưỡng và không còn đảm bảo vệ sinh.
Theo chuyên gia, tùy thuộc vào đặc tính của từng loại thực phẩm mà chúng ta bảo quản theo các cách khác nhau với thời gian phù hợp:
– Các chuyên gia cho rằng, cá và hải sản nấu chín có thể ăn trong tủ lạnh 1-2 ngày. Súp trong tủ lạnh có thể bảo quản đến 4 ngày.
– Các loại giò, chả: Nếu bảo quản đúng cách giò, chả sẽ giữ được 4-6 ngày khi để ở ngăn mát, thậm chí để được 10 ngày nếu để ở ngăn đá.
– Các loại thịt: Thịt bò, gà, lợn đã nấu chín chỉ để từ 1-2 ngày. Bò bít tết, thịt quay để tủ lạnh 3-5 ngày, thịt muối để tủ lạnh 7 ngày.
– Rau củ: Các loại rau củ sau khi nấu chín không nên để trong tủ lạnh quá 1 ngày vì trong rau củ có khá nhiều chất xơ và việc để lâu trong môi trường lạnh có thể ngăn chặn sự oxy hóa của rau nhưng chất lượng sẽ không còn ngon nữa.
– Các sản phẩm từ sữa: Các loại pho mát bào nhỏ để tủ lạnh được 1 tháng. Các loại pho mát miếng cứng để tủ lạnh được 2 tuần. Các loại pho mát mềm để tủ lạnh 3-4 tuần khi đã mở gói, để được 6 tháng khi chưa mở gói. Sữa để tủ lạnh được 7 ngày.
– Hoa quả: Các hoa quả chín như chuối, cam, táo, dâu tây có thể để tủ lạnh từ 1-2 tuần.
Những lưu ý khi bảo quản thức ăn chín trong tủ lạnh
Để thức ăn chín vẫn giữ được độ tươi ngon, mà không mất đi chất dinh dưỡng khi bảo quản trong tủ lạnh cần lưu ý một số điều sau:
– Nhiệt độ ngăn mát của tủ lạnh ở 4 độ C hoặc thấp hơn được coi là an toàn, giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn thâm nhập gây ngộ độc.
– Vệ sinh tủ lạnh: Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để hạn chế sự sinh sôi và phát triển của các vi khuẩn gây hại trú ngụ trong tủ lạnh.
– Bọc kín thức ăn: Trước khi cho thức ăn chín vào tủ lạnh hãy bọc ni lông hoặc cho vào hộp.
– Không để lẫn thức ăn chín và thức ăn sống: Không để thức ăn chín với thức ăn sống để tránh lây nhiễm lẫn nhau, đồng thời hạn chế được mùi trong tủ lạnh.
– Phải để nguội thức ăn: Phải để nguội thức ăn mới cất vào tủ lạnh. Nếu thức ăn còn nóng mà cho ngay vào nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ biến chất, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho toàn bộ thực phẩm trong tủ lạnh.
– Không nên bảo quản quá lâu: Thức ăn chín không nên bảo quản trong tủ lạnh quá lâu vì các vi khuẩn sẽ sinh ra độc tố.
– Không nên cất rau đã chế biến vào tủ lạnh: Không nên cất các loại rau đã chế biến vào tủ lạnh khi dùng không hết, vì khi đó các vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát triển nhanh tạo thành chất gây hại cho sức khỏe.
– Nấu lại thức ăn: Khi bỏ thức ăn chín trong tủ lạnh ra phải nấu lại, vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó. Nếu khi ăn bạn không đun nấu lại sẽ gây bệnh chướng bụng, khó tiêu, đi ngoài.
Tủ lạnh là một thiết bị tiện lợi trong gia đình, tuy nhiên chúng ta không nên quá lạm dụng chúng. Tốt nhất là bạn nên chế biến một lượng thực phẩm vừa đủ để ăn trong ngày, hạn chế việc lưu trữ thức ăn quá lâu trong tủ lạnh.
PN (SHTT)