'Sát thủ' thầm lặng đến từ lọ gia vị trong bếp

26/07/2023 10:22:08

Tăng huyết áp là một trong những nguy cơ hàng đầu góp phần vào tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, 1/4 người trưởng thành mắc bệnh và thói quen ăn mặn chính là thủ phạm gia tăng bệnh lý này.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê).

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc gần đây nhất (năm 2015), trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, là mức tiêu thụ cao gần gấp đôi so với khuyến cáo.

'Sát thủ' thầm lặng đến từ lọ gia vị trong bếp

Ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Số liệu cho thấy hiện nay ở nước ta cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp là do các bệnh tim mạch.

Trong năm 2016 ước tính toàn quốc có tới 81.800 trường hợp tử vong do bệnh mạch máu não (chiếm 15% tổng số tử vong trên toàn quốc) và 67.500 trường hợp chết do nhồi máu cơ tim (chiếm 12% số tử vong), thông tin trên Báo Thanh Niên.

Cũng theo số liệu điều tra của nguồn tin trên, 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn (muối trên bàn ăn); 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mỳ ăn kiền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...).

Mặc dù hầu hết người Việt Nam có thói quen ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người khi được hỏi cho rằng bản thân có ăn mặn.

Bạn có đang ăn quá nhiều muối?

Natri là một ion cần thiết với cơ thể để duy trì thể tích dịch, cân bằng nội môi, dẫn truyền thần kinh và đảm bảo chức năng bình thường của tế bào. Hầu hết natri được đưa vào cơ thể từ chế độ ăn, trong đó chủ yếu là muối.

Ở các nước phát triển, 77% muối đưa vào cơ thể qua thực phẩm chế biến sẵn, ăn ở nhà hàng. Còn tại Việt Nam thì 80% lượng muối đưa vào cơ thể là muối cho vào tại hộ gia đình khi chế biến món ăn.

'Sát thủ' thầm lặng đến từ lọ gia vị trong bếp - 1

Báo Dân Trí dẫn lời PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nếu bạn ăn một bát phở bò tái chín, lượng muối trong đó đủ cung cấp cho cơ thể trong một ngày, với khoảng trên 3,34g muối. Hay như trong bát phở bò sốt vang cung cấp gần 483 kcal, chứa tới 4,6g muối.

Tương tự, trong nhiều món ăn khác, nhất là các món chế biến sẵn thịt hun khói, bim bim… đều chứa muối. Với mức khuyến nghị của WHO, không quá 5g muối một ngày, bạn chỉ cần một bữa ăn sáng đã đủ nhu cầu muối cho cơ thể.

Ăn mặn ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Tiêu thụ nhiều muối sẽ dẫn đến những tác động xấu đối với cơ thể. Cụ thể:

- Đột quỵ

Một báo cáo từ WHO cho biết, có khoảng 62% các ca bị đột quỵ não đều có thói quen ăn đồ ăn mặn thường xuyên.

- Ung thư dạ dày

Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K (Hà Nội), có nhiều tranh luận về mối quan hệ giữa muối và ung thư dạ dày.

Qua phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng việc tiêu thụ muối ở mức trung bình hoặc cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, tương tự như ăn nhiều các thực phẩm ngâm giấm/muối chua.

Một số cơ chế được cho là muối làm tăng nguy cơ nhiễm Helicobacter pylori dai dẳng, hiệp đồng với loại vi khuẩn này làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Nghiên cứu thử nghiệm cũng cho thấy muối làm tăng tốc độ sinh tế bào và đột biến nội sinh, làm tổn thương hàng rào niêm mạc dạ dày với nồng độ cao.

'Sát thủ' thầm lặng đến từ lọ gia vị trong bếp - 2

Theo TS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần với sự gia tăng nguy cơ của ung thư dạ dày đã được biết đến từ lâu.

Khoảng 70% bệnh nhân ung thư dạ dày bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn H.P). Loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa.

Khi ăn nhiều muối, muối sẽ khiến vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.

- Bệnh lý tim mạch

Tiêu thụ nhiều muối có liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp. Cơ chế là do hệ thống Renin Angiotensin Aldosteron suy giảm theo thời gian dẫn đến giữ natri và nước, tăng sức đề kháng của mạch máu.

Ăn nhiều muối cũng dẫn đến điều chỉnh hàng loạt các cơ chế thần kinh, thể dịch để đưa nồng độ natri máu về bình thường, từ đó dẫn đến tăng thể tích dịch ngoại bào, ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, hệ thống renin- angiotensin cục bộ, tim và mạch máu, cơ chế viêm, phản ứng miễn dịch.

Tất cả đều tác động đến huyết áp. Từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến các bệnh lý về tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy khi giảm 2,5g muối tiêu thụ/ngày thì cũng giảm đến 20% các biến cố tim mạch.

- Tăng huyết áp

Nếu ăn quá mặn, huyết áp có nguy cơ tăng cao do natri trong muối làm tăng tính thẩm thấu của tế bào từ đó những ion Natri sẽ di chuyển nhanh chóng vào các tế bào cơ trơn ở thành mạch và gây trữ nước, tăng trương lực ở thành mạch dẫn tới co mạch, sức cản ở ngoại vi tăng và huyết áp cũng vì thế mà tăng theo.

'Sát thủ' thầm lặng đến từ lọ gia vị trong bếp - 3

- Bệnh lý thận

Ăn nhiều muối dẫn đến nhiều thay đổi như tăng huyết áp, tăng protein niệu, stress oxy hóa, rối loạn chức năng nội mô. Các thay đổi này là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tiến triển các bệnh lý về thận.

Một số nghiên cứu tiến hành giảm muối trong chế độ ăn giúp làm giảm bài tiết albumin và protein trong nước tiểu của những người tăng huyết áp, suy thận, tiểu đường. Giảm muối có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mãn tính.

- Loãng xương

Ăn nhiều muối dẫn đến tăng bài tiết canxi qua nước tiểu, cơ thể bị thiếu hụt canxi nên tăng hấp thu canxi ở ruột và huy động canxi từ xương, từ đó dẫn đến loãng xương. Nghiên cứu trên nhóm phụ nữ sau mãn kinh thấy mật độ xương hông bị giảm ở những người bài tiết nhiều natri trong nước tiểu.

- Thừa cân và béo phì

Cơ sở của mối liên quan là do khi ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể bị khát, có thể dẫn đến tăng sử dụng các đồ uống có đường. Các loại thức ăn chứa nhiều muối thường có nhiều chất béo và đậm độ năng lượng cao, có vị hấp dẫn khiến người ăn sẽ ăn nhiều hơn, làm tăng năng lượng ăn vào gây thừa cân béo phì.

Mặt khác, thực nghiệm trên động vật cũng cho thấy ăn nhiều muối làm phì đại mô mỡ, tăng leptin máu, góp phần làm tăng khối mỡ trắng. Các nghiên cứu quan sát ở trẻ em và người lớn cũng cho thấy sử dụng nhiều muối làm tăng tỉ lệ thừa cân béo phì, tăng khối mỡ trong cơ thể.

Các biện pháp chính để giảm muối

Giảm lượng muối và gia vị mặn cho vào khi chế biến thức ăn. Chấm nhẹ tay, hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn.

'Sát thủ' thầm lặng đến từ lọ gia vị trong bếp - 4

Giảm ngay đồ mặn bằng cách hạn chế lựa chọn hay sử dụng thực phẩm có nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn.

Tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm, nhất là khi trong bữa ăn chỉ có các món đã chế biến đậm đà với các gia vị mặn rồi.

Hãy pha loãng bát nước mắm của mình trước khi ăn. Có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt … để giúp tăng cảm giác ngon miệng, bù lại việc giảm sự ngon miệng do giảm vị mặn mà bạn đã quen thuộc lâu nay.

PN (SHTT)