1. Sử dụng dầu sai cách, để dầu bốc khói
Dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu đậu phộng, bơ thực vật, mỡ động vật… là những loại dầu quen thuộc nhưng không thể nào sử dụng một cách tùy tiện, tùy theo từng món ăn mà sẽ có một loại dầu chuyên dụng. Chẳng hạn như để làm các món salad trộn và thực phẩm nấu chín thì chị em nên sử dụng dầu ô liu. Loại dầu này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng có thể bị phá hủy khi đun nóng ở nhiệt độ cao.
Bên cạnh đó, không ít người nghĩ rằng dầu để càng nóng thì càng tốt, như vậy khi xào hoặc chiên thì thức ăn sẽ không dính vào chảo. Tuy nhiên, nếu để dầu nóng tới mức bốc khói, khi cho thức ăn như rau, thịt vào, nó không chỉ phá hủy các chất dinh dưỡng mà còn tạo ra quá trình cacbon hóa của dầu ăn, các peroxit sản sinh ra cùng với nhiều chất ung thư khác cũng hình thành.
Dầu ăn cũng có hại cho cơ thể nếu sử dụng nó quá nhiều. Tiêu thụ nhiều đồ ăn chứa dầu mỡ sẽ gây ra béo phì, tăng lipid máu, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ. Thông thường, mức tiêu thụ dầu ăn của mỗi người trong 1 ngày không nên vượt quá 25gr.
2. Đậy nắp lại khi nấu món xào
Để thực phẩm nhanh chín và mềm hơn các bà nội trợ thường đậy kín vung nồi khi chế biến món xào. Nhưng đây lại là thói quen cần phải bỏ gấp vì không chỉ khiến đồ ăn mất đi chất dinh dưỡng mà còn gây hại cho sức khỏe cả gia đình.
Khi nấu dù bạn cẩn thận đến mấy cũng không tránh được việc sản sinh ra lượng khói lớn – quá trình của việc đun nấu dầu và thức ăn ở nhiệt độ cao.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, khói dầu gây hại cho sức khỏe không khác gì khói thuốc lá, nếu hít nhiều sẽ gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tức ngực, đau đầu. Về lâu dài có nguy cơ cao bị ung thư phổi.
Để hạn chế điều này bạn hãy tập thói quen mở nắp vung nồi khi đun nấu, phòng bếp cũng cần được thông thoáng bằng cách mở cửa sổ hoặc lắp đặt hệ thống hút mùi.
3. Tái sử dụng dầu thừa
Dùng đi dùng lại nhiều lần dầu rán thức ăn trong nhiệt độ cao sẽ làm dầu bị ôxy hóa. Tạo ra những chất không tốt cho sức khỏe và còn gây ra ung thư. Các vitamin A, E trong dầu sẽ bị phá hủy, làm giảm giá trị dinh dưỡng. Dưới tác dụng của nhiệt độ cao sẽ gây ra các phản ứng hóa học, sản sinh ra các chất andehit, chất ôxy hóa, perocid… đều là những chất có hại cho cơ thể.
Nhiệt độ dầu càng cao, số lần dùng dầu đã qua sử dụng càng nhiều thì chất độc hại sinh ra càng nhiều. Trong những chất đó có những chất gây ra ô nhiễm không khí, người hít vào cũng độc hại. Có chất lại lắng lẫn vào trong dầu, người ăn vào rất hại. Nhẹ thì làm cho chóng mặt, buồn nôn, nôn ọe, đau bụng, thở khó, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, tứ chi mệt mỏi. Ăn lâu dài còn có thể bị ung thư.
Để phòng chống sự nguy hại đó, trước hết cần khống chế nhiệt độ khi đun nấu. Có nghĩa là không nên để dầu bốc khói. Hai là không dùng lại dầu đã qua sử dụng nhiều lần. Đây là cách bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho gia đình của bạn.
4. Hâm thức ăn lại nhiều lần
Đồ ăn nếu hâm nóng quá nhiều lần sẽ khiến thực phẩm bị biến chất. Lúc này, chất carbohydrates sẽ kết hợp với chất béo tạo ra một hợp chất gây ung thư.
Đặc biệt, hành động chiên đi chiên lại rau hay thịt nhiều lần khiến một số thành phần bị biến chất trở thành chất độc. Nếu vẫn muốn ăn đồ chiên rán khi không cưỡng lại mùi vị giòn ngon của nó, bạn hãy sử dụng nồi chiên không dầu.
5. Thịt cháy sém
"Một số món ăn được chiên cháy cạnh trên các chảo chiên hoặc nướng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm HCAs (heterocyclic amines) và PAHs (polycyclic aromatic hydrocarbons), có thể gây hại đến DNA của con người", cảnh báo từ Christen Cupples Cooper – giám đốc sáng lập Chương trình Dinh dưỡng và Ăn kiêng tại Trường Cao đẳng Nghề Y tế thuộc Đại học Pace, Mỹ.
Một số nghiên cứu cho thấy khi được chuyển hóa, các hợp chất này có thể kích hoạt các enzyme liên quan đến nguy cơ ung thư. Mặc dù nghiên cứu còn hạn chế, giáo sư Cooper tin rằng có đủ bằng chứng để khuyến cáo mọi người nên tránh tiếp xúc với các hợp chất hóa học này. Đặc biệt là hạn chế ăn các loại thực phẩm nấu trên lửa trực tiếp, trên bề mặt kim loại nóng hoặc thịt bị cháy.
6. Sử dụng thớt sai cách
Một số gia đình thường chỉ sử dụng một chiếc thớt trong nhiều năm, thịt sống, rau củ, trái cây... đều dùng chung. Thịt sống thường chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng, mặc dù rửa sạch nhưng chúng vẫn có thể còn bám lại. Trong trường hợp thực phẩm chín được cắt trên tấm thớt này, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa gây tiêu chảy cấp và nhiều căn bệnh khác.
Một nghiên cứu từ Đại học Harvard ở Mỹ cho thấy hàm lượng vi khuẩn trong thớt gỗ còn bẩn hơn nhà vệ sinh của gia đình.
Bên cạnh đó, một số loại thớt làm từ nhiều mảnh tre nhỏ ghép lại, chất keo được sử dụng có chứa formaldehyd. Chất này có thể hòa tan trong nước, khi rửa thớt nó sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa, gây ra loét dạ dày, thủng dạ dày và thậm chí ngộ độc gan nghiêm trọng.
Nhiều gia đình có thói quen sử dụng thớt đã cũ, mốc meo mà ít khi chà rửa hoặc khử trùng. Môi trường như vậy tạo điều kiện cho một số loại nấm và vi khuẩn nguy hiểm phát triển như aflatoxin. Đây là một chất gây ung thư được WHO đưa vào danh sách cảnh báo.
7. Tiếp tục nấu mà không cần rửa nồi
Không ít người vì lười, vì muốn tiết kiệm thời gian mà họ không rửa nồi khi nấu món ăn tiếp theo. Họ không biết rằng hành động này lại tiềm ẩn những rủi ro sức khỏe. Bởi vì sau khi nấu, thực phẩm còn sót lại trong nồi tiếp tục được đun nóng, nó sẽ tạo ra các chất có hại.
Nếu thói quen này được duy trì thường xuyên, theo thời gian các hợp chất có hại như amin dị vòng, hydrocarbon thơm đa vòng hay oxit sẽ ngấm vào cơ thể, gây ra nguy cơ ung thư.
8. Không sử dụng máy hút mùi trong bếp
Nhiều người không sử dụng máy hút mùi khi nấu ăn vì nhiều lý do. Khói từ thức ăn, đặc biệt là những thức ăn cháy khét nếu hít vào quá nhiều, theo thời gian sẽ khiến chức năng phổi bị suy giảm và làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Do đó, việc sử dụng máy hút mùi sẽ hút hết các khí độc, khiến bầu không khí trong nhà bếp trở nên trong lành hơn.
PN (SHTT)