Theo VTC News thông tin, ông Nga (70 tuổi, ở Hà Nội) lập gia đình với bà Hà (cũng là bạn học) vào 45 năm trước. Họ có với nhau một trai, một gái, đều đã lập gia đình. Ông Nga và ở cùng vợ chồng con trai và ba cháu.
7 năm trước ông Nga thôi việc bàn giấy về nghỉ hưu an dưỡng tuổi già, nhưng từ lúc nghỉ việc ông và vợ xảy ra nhiều xung đột từ những việc nhỏ trong gia đình.
Bà Hà thường xuyên nói chồng giả bệnh, lười không muốn làm việc nhà. Để tránh xung đột, mỗi lần cãi vã ông Nga thường đi ra ngoài, nhưng trở về ông tiếp tục bị vợ chì chiết, mắng nhiếc "không làm ra tiền còn trốn việc đi chơi". Lời cằn nhằn của vợ lặp đi lặp lại trong thời gian dài khiến tình cảm vợ chồng ông căng thẳng.
Trước đây khi còn đi làm ông Nga luôn là người chăm chỉ, hoàn thành công việc đúng thời hạn, nhưng qua lời nói của vợ, ông bắt đầu nghĩ bản thân thật sự kém cỏi. Người đàn ông 70 tuổi rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài, căng thẳng tăng dần, sụt cân mất kiểm soát.
Ông đi thăm khám nhiều nơi nhưng không ra bệnh, cho tới khi khám tâm thần, ông được chẩn đoán rối loạn trầm cảm do chịu bạo lực ngôn từ trong thời gian dài, chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Bác Vũ Thu Thủy, khoa Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện E cho biết, người đàn ông đến trong tâm trạng buồn chán, không có động lực làm việc, khuôn mặt trầm buồn, ít nói, "chưa từng thấy bệnh nhân cười”.
Sau khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ Thủy trao đổi với vợ người đàn ông về bệnh trạng, để bà hiểu được vấn đề chồng đang gặp phải. Bác sĩ cũng chỉ ra việc dùng lời nói chỉ trích cũng là một kiểu bạo lực tâm lý, việc này diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của người khác.
“Người vợ đã nhận ra vấn đề của bản thân, và có sự thay đổi”, bác sĩ Thuỷ nói và cho biết, sau khi được điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực. Hai vợ chồng kết nối được với nhau, ông Nga cũng không còn mất ngủ, cười nhiều hơn.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Thuỷ chia sẻ với Dân Việt, bạo lực gia đình không chỉ đơn thuần là tác động vật lý mà còn bao gồm tâm lý.
"Bạo lực tâm lý là dùng ngôn ngữ, lời nói, hành vi tác dụng tới tâm lý của đối phương. Hệ quả của việc này khiến cho người bị bạo lực tâm lý trở nên tự ti, nhút nhát. Có một số trường hợp sẽ có cảm xúc bùng nổ hơn như gây hấn, kích động. Ở mức độ nặng có thể dẫn tới những rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu), lạm dụng chất", bác sĩ Thuỷ nói.
Bạo lực về tâm lý thường gặp ở phụ nữ là nhiều, tỷ lệ lớn ở phụ đang nuôi con nhỏ và phụ nữ có thai (đối tượng nhạy cảm dễ bị tổn thương). Tuy nhiên, hiện nay bạo lực tâm lý có xu hướng tăng ở nam giới với độ tuổi trung bình trên 40 tuổi. Để tránh bạo lực tâm lý nói riêng và bạo lực gia đình nói chung thì vợ chồng cần ngồi lại nói chuyện với nhau, cùng nhau tháo gỡ tìm cách giải quyết vấn đề. Hai bên phải tôn trọng, thấu hiểu nhau.
Bác sĩ Thủy tư vấn: "Khi nhận biết được gia đình đang có vấn đề bạo lực tâm lý thì cần phải có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Nếu có vấn đề tâm lý tâm thần kèm theo thì phải có sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, tâm thần".
Ngoài ra, để tránh bạo lực tâm lý, bác sĩ Thủy cho rằng cần phải có sự tuyên truyền hơn nữa về bình đằng giới để mọi người cùng biết và phòng tránh. Không phải là cứ con trai thì sẽ chịu gánh nặng kiếm tiền nuôi gia đình, cứ con gái thì chỉ ở nhà nội trợ.
Cũng trao đổi với nguồn tin trên, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, bạo lực gia đình đối với nam giới là có tồn tại nhưng là con số rất nhỏ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta nên bỏ qua.
"Theo nghiên cứu của tôi về nam giới, họ nói bị một số dạng bạo hành như vợ kiểm soát chuyện đi về, điện thoại, hình thức bạo lực tinh thần như chửi bới, đay nghiến, cấm vận… Đó là một trong những vấn đề còn tồn tại ở một bộ phận gia đình. Vẫn còn một số nhỏ nam giới bị bạo lực gia đình là sự thật, chứ không có gì mới nhưng để nói tăng lên con số phải thuyết phục, nghiên cứu rất chi tiết.
Tôi chia sẻ như vậy có nghĩa năm 2022 có bao nhiêu trường hợp là nạn nhân bạo lực gia đình, những năm trước nữa là bao nhiêu, có xu hướng tăng dần đều theo thời gian, đột ngột tăng vọt hay mức độ tăng đáng kể bao nhiêu thì mới nên đặt ra vấn đề này. Chúng ta đã biết đại đa số nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ", bà Hồng chia sẻ.
Bà Hồng cho rằng, từ vấn đề trên, cơ quan có thẩm quyền nên chú ý đến và theo dõi theo thời gian nắm rõ sự tăng giảm nam giới bị bạo lực gia đình như thế nào. Ngoài ra cũng nên có những dịch vụ hỗ trợ cho nam giới, đã là nạn nhân của bạo lực thì ai cũng đáng được hỗ trợ.
Ngày 22/5, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Báo cáo cho thấy, năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên tỷ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước. Việc tỉ lệ nam giới là nạn nhân bạo lực gia đình gia tăng đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
* Tên nhân vật đã thay đổi
PN (SHTT)