Có phải vợ chồng nghèo yêu thương nhau hơn?
Nếu hỏi, người ta kiếm tiền để làm gì thì ai cũng trả lời là để sống sung sướng, hạnh phúc hơn!
Nhưng trong thực tế không ít gia đình, khi còn nghèo, vợ chồng lại yêu thương nhau hơn. Khi giàu lên lại đâm ra lủng củng, lừa dối nhau, con cái hư hỏng.
Một công trình nghiên cứu xã hội học ở Hàn Quốc đã đi sâu vào vấn đề này và coi đây là một hiện tượng có thực đang nảy sinh ở các nước phát triển.
Các nhà khoa học đặt câu hỏi: Có phải khi nghèo, vợ chồng yêu thương nhau hơn?
Câu trả lời khiến người ta nhận ra điều này là có thực vì trong cảnh nghèo khó, quan hệ vợ chồng đơn giản hơn, họ kết hôn bằng tình yêu và gắn bó với nhau cũng bằng tình cảm thuần túy. Thứ gắn kết hai người chính là tình yêu thương.
Lúc đó, người vợ có than vãn cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, chồng cũng thông cảm được. Không những thế, nhiều anh còn mặc cảm là mình bất tài, không nuôi nổi vợ con, vì vậy vợ kêu ca là phải. Cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, cảnh vợ ghi chép chi tiêu từng đồng, anh ta nhìn thấy được nên thường động viên an ủi người bạn đời.
Có anh còn tự dằn vặt mình, khiến cho vợ cảm động, lại quay ra an ủi chồng. Cứ thế họ thông cảm với nhau và người vợ dễ dàng cảm nhận được tình yêu của chồng và tình yêu toả sáng trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Một nghiên cứu ở Nhật với câu hỏi: “Gia đình bạn có hạnh phúc không?” đã phát hiện 48% số người ở nhóm có thu nhập thấp (khoảng 28. 000 USD/năm) trả lời có. Trong khi chỉ có 33% nhóm có thu nhập cao (74.000 USD/năm trở lên) trả lời như vậy.
Các cặp vợ chồng có thu nhập thấp hôn nhau thường xuyên hơn và chăm chỉ "yêu" hơn so với những cặp có thu nhập cao.
Tại sao tiền vào nhà, hanh phúc có nguy cơ ra khỏi cửa?
Trong thực tế, không hiếm cảnh những gia đình giàu có, người vợ ngồi bên mâm cơm thịnh soạn đợi chồng từ chiều đến khuya vẫn không thấy về. Ai biết anh ta còn mải nâng cốc cụng ly ở nhà hàng, khách sạn nào, hay còn tay trong tay với cô bồ trẻ đẹp cũng nên?
Hiện tượng khi giàu có, tình cảm vợ chồng lại nghèo đi thậm chí lừa dối, phản bội nhau, đến nỗi tan vỡ cả gia đình không phải hiếm.
Chẳng lẽ muốn giữ được hạnh phúc gia đình, người ta cứ phải nghèo?
Chị Lan, giáo viên phổ thông quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự với chuyên viên tư vấn về cảnh “tiền nhiều nhưng tình cạn” và luyến tiếc ngày vợ chồng nghèo khó nhưng vẫn yêu thương gắn kết với nhau. Còn bây giờ chị hỏi tại sao người chồng bỗng thay đổi đến không sao hiểu nổi?
Thực ra, trong tâm lý người đàn ông mới giàu lên diễn ra một quá trình biến đổi không khó hiểu lắm. Trước hết, khi đã có đồng tiền, anh ta ý thức được sức mạnh của nó đã tạo ra một cuộc sống sung túc. Anh ta tin rằng, mình đã làm tròn trách nhiệm với gia đình và bây giờ có quyền được sống cho mình. Vậy tại sao người vợ vẫn kêu ca phàn nàn? Đó là điều anh ta không chấp nhận.
Người chồng lúc này khác với ngày xưa. Anh ta không muốn nghe những lời than vãn hay phải nhìn bộ mặt rầu rĩ của vợ.
Anh ta cho rằng thái độ không hài lòng với thực tại của vợ làm tổn thương anh ta. Bởi vì nỗi khổ do thiếu thốn tình cảm không dễ nhìn thấy như sự thiếu thốn vật chất trước đây.
Có anh lý sự: "Cô còn muốn gì? Nhà cao cửa rộng, con cái đi du học, kinh tế cô không phải lo, khối người mơ không được, sướng không biết đằng sướng".
Có thể giàu mà vẫn hạnh phúc được không?
Không phải không có những gia đình giàu lên mà vẫn hạnh phúc ấm êm, vợ chồng vẫn yêu thương, tôn trọng nhau, con cái vẫn học hành ngoan ngoãn.
Vậy đâu là bí quyết của họ?
Có phải họ may mắn có được người chồng trước sau như một? Hay chính những người vợ ấy đã có cách cư xử phù hợp khiến cho đồng tiền không giày xéo lên hạnh phúc gia đình ?
Trước hết, người vợ nên tỏ ra cảm kích trước việc chồng đã đem lại sự giàu có cho gia đình bằng tài năng và nỗ lực của anh ta. Người vợ cần tỏ ra cảm phục và tự hào về điều đó. Dĩ nhiên người vợ tốt phải khuyên chồng làm việc vừa phải và quan tâm đến sức khoẻ của mình.
Nếu chồng có vẻ hơi kiêu ngạo do những thành công của anh ta đem lại, vợ cũng không nên tỏ ra khó chịu mà trái lại nên biểu lộ sự đồng tình một cách kín đáo và tế nhị.
Trong bối cảnh nhà cửa khang trang, người vợ phải trang điểm, ăn mặc sao cho phù hợp với cuộc sống sung túc mà người người không thấy là “cọc cạch” hay tưởng lầm là người giúp việc gia đình. Đó là cả một nghệ thuật chứ không dễ dàng.
Không phải cứ có tiền là mua được nhan sắc. Có anh còn nói với vợ là: “Việc của anh là kiếm tiền. Việc của em là làm đẹp”.
Do vậy, để có một vóc dáng thon thả mà, bạn phải đi bộ hàng giờ mỗi sáng. Để có mái tóc đẹp bạn phải đến salon tóc để thợ làm. Để có y phục hợp với thời trang và lứa tuổi, bạn phải học cách ăn mặc sao cho trang nhã chứ không phải cứ mua đồ đắt tiền là đẹp.
Chồng bạn có thể nổi lên trong đám đông có nhiều phụ nữ sủng ái, bạn nên lấy đó làm niềm tự hào chứ không phải là điều khó chịu. Bởi vì anh ta có đi đâu cũng vẫn trở về ngôi nhà của bạn, nằm trên chiếc giường êm ái cùng bạn. Bạn có đủ sức hấp dẫn anh ta không, đó là tài năng của bạn. Sức hấp dẫn ấy không chỉ là nhan sắc mà còn là sự hồn hậu của tâm hồn, là sự bao dung của tình cảm, là niềm tự hào về chồng mà anh ta luôn nhận thấy ở bạn.
Hoá ra, làm vợ khi chồng nghèo đã khó nhưng làm vợ khi chồng giàu còn khó hơn nhiều. Thật khờ khạo nếu ai nghĩ rằng cứ có nhiều tiền là hạnh phúc hoặc ước gì trở lại nghèo như những ngày xưa khi mà chồng chưa có ai để mắt đến.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Theo Gia Đình Việt Nam