Góp vốn mở xưởng gỗ, anh cay đắng phát hiện em trai gian lận hơn 3 tỷ đồng

02/05/2024 11:06:58

Bị oan ức nhưng tôi không nỡ làm rùm beng lên, chỉ im lặng giải tán xưởng sản xuất và rút ra bài học cho mình.

Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề gỗ. Từ bé, tôi đã được tiếp xúc với các mặt hàng đồ gỗ nên rất am hiểu các kiến thức ngành này.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, tôi vận dụng tối đa kiến thức đã học vào ngành truyền thống của gia đình. Chính vì vậy, công việc kinh doanh sản xuất các sản phẩm gỗ của tôi ngày càng phát triển.

Khi có ý định mở rộng xưởng sản xuất, tôi không đủ vốn nên rủ vợ chồng em trai cùng làm.

Góp vốn mở xưởng gỗ, anh cay đắng phát hiện em trai gian lận hơn 3 tỷ đồng
Ảnh minh họa: PX

Em trai tôi từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí về làm kĩ sư điện cho một công ty inox. Công việc của em ổn định nhưng lương không cao, nên em cũng muốn tìm cơ hội khởi nghiệp để khẳng định bản thân hơn.

Sau khi nói chuyện và nghe kế hoạch của tôi, em trai rất phấn khởi, đồng ý ngay. Khi đó chúng tôi thống nhất: Tôi góp 70%, vợ chồng em trai góp 30% và cùng nhau làm việc trực tiếp tại xưởng.

Tôi chịu trách nhiệm chính khâu sản xuất và kiểm định chất lượng sản phẩm. Em trai chịu trách nhiệm mua sắm máy móc, thuê thợ gia công hoặc cá nhân tự lắp ráp tất cả thiết bị phục vụ cho sản xuất tại xưởng.

Nửa năm đầu, anh em phối hợp với nhau rất ăn ý. Mọi kế hoạch kinh doanh đều được thảo luận và quyết định nhanh, hiệu quả. Công việc sản xuất êm xuôi chưa được bao lâu thì máy móc trong xưởng hỏng hóc liên tục, phải thuê thợ sửa rất nhiều lần.

Mỗi lần sửa máy móc, tôi phát hiện em dâu thường kê khai chứng từ chênh lên gấp đôi so với số tiền sửa thực tế của thợ. Tôi biết nhưng nghĩ đó là em dâu mình nên chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng.

Được vài hôm, chuyện gian lận lại xảy ra và số tiền ngày càng lớn. Món nào cũng được em dâu kê khai với số tiền rất vô lý. Căng thẳng tới đỉnh điểm là khi tôi phát hiện toàn bộ máy móc sản xuất tại xưởng, em trai tôi mua với giá 5 tỷ đồng nhưng sau đó lại hợp thức hoá đơn chứng từ thành 8 tỷ.

Khi đó, tôi rất buồn nhưng vẫn quyết định ngồi lại nói chuyện với vợ chồng em trai, yêu cầu từ nay phải thay đổi.

Nào ngờ, vợ chồng em không chịu nhận lỗi còn tỏ thái độ cho rằng mình đã bỏ nhiều công sức, bỏ cả công việc ổn định về giúp đỡ anh. Không những thế vợ chồng em trai còn đi nói với họ hàng: Bây giờ xưởng sản xuất làm ăn đi lên, tôi cậy thế góp vốn nhiều chèn ép vợ chồng em để thu lợi nhuận cho riêng mình.

Em dâu còn đánh tiếng với họ hàng nếu không chung vốn làm ăn nữa sẽ bắt tôi đền bù một khoản tiền vì tôi mà em trai mất việc làm ổn định ở công ty cũ.

Đứng trước những điều trớ trêu đó, tôi rất sốc chỉ muốn làm rõ ràng mọi chuyện để mình không bị oan ức nhưng nghĩ lại đó là em trai và em dâu của mình, tôi không nỡ làm rùm beng lên, chỉ im lặng giải tán xưởng sản xuất và rút ra bài học cho mình: Anh em ruột không làm ăn chung thì còn anh em, làm chung xong không còn cái gì!

Theo PV (VietNamNet)