Clip: Cụ ông 96 tuổi bán sách vỉa hè Sài Gòn |
“Chú… chú thích cuốn nào thì lấy cuốn đó, rồi đưa tui nhiêu cũng được. Mấy ngày nay mưa quá”.
Ông Trần Minh Quang vừa nói, vừa gỡ lớp bạt nilon trên xe sách. Chiếc xe đẩy nằm nép góc tường chứa hàng trăm quyển sách, báo cũ được ông xếp ngay ngắn thành chồng. Sách ngoại văn, sách khoa học, truyện cổ, tiểu thuyết, sách giáo khoa… đếm sơ đã mấy chục loại khác nhau, tất cả được người dân quanh khu phố thuộc đường Lâm Văn Bền, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM cho.
“Tui mắt mũi kèm nhèm đâu có đọc bìa hay định giá đúng, nhưng họ cũng chẳng bao giờ ăn gian ông già”, ông Quang thật thà nói. Mà thật vậy, suốt 20 năm sống nép bức tường cạnh trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, ông đều sống bằng tình thương và sự đùm bọc.
Ông Quang quê ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có vợ con. Tuy nhiên, do biến cố làm ăn thua lỗ, gia đình ông cũng ly tán, ông phiêu bạt đến đất Sài Gòn kiếm sống.
Ông từng kinh doanh quán ăn nhưng khách đến quấy rối, nhậu nhẹt và gây gổ nên dẹp tiệm. Hơn nữa, công việc ở quán quần quật nấu nướng, dọn dẹp khiến ông kiệt sức, tuổi cũng đã cao.
Thập niên 2000, bọn trẻ con rất mê đọc sách, ghiền truyện tranh nên ông đã trải tấm bạt nhỏ ở vỉa hè quận 7 mưu sinh. Ông mua sách từ những người bán ve chai, giá 5.000, 10.000 đồng/kg rồi phân loại bán theo cuốn.
Nhưng chỉ chục năm sau, mạng xã hội lên ngôi và văn hóa đọc cũng không còn thịnh hành, cuộc sống ông Quang mới bắt đầu rơi vào khó khăn. Bọn trẻ ôm điện thoại nhiều hơn ôm sách, chúng thích thú với thế giới mạng sống động hơn những trang chữ.
Người đàn ông mưu sinh vỉa hè không đủ tiền mua sách làm vốn. Người dân sống quanh khu vực thấy thương cụ ông tay run, mắt mờ chật vật kiếm sống nên đã mang sách đến tặng. Người mang cả bao tải, người chở đến vài quyển, người xếp sẵn cả chồng báo rồi nhờ shipper đem tới tận nơi.
Ông chia sẻ: “Họ nói thay vì bán ve chai có 10.000, 20.000 đồng thì thôi cho tôi có cái mà bán, tôi cảm thấy xúc động vô cùng”. Chẳng mấy chốc, xe sách của ông Quang đầy ắp. Và từ năm này qua tháng nọ, ông vẫn có sách để bán, mỗi ngày lời được 50.000 – 70.000 đồng để ăn cơm.
Mỗi tối, ông chọn vỉa hè để mắc võng và che bạt ngủ. Xe sách được ông để nhờ góc đường, chỉ che bạt để mưa không tạt ướt sách, ngoài ra chưa bao giờ bị mất trộm.
Năm ngoái, hình ảnh ông Quang bán sách xuất hiện trên mạng xã hội nên nhiều người biết tìm đến. Ông nói: “Tôi không nhớ mấy cô trẻ trẻ đó là ai chụp hình tôi lên mạng nên người ta kéo để ủng hộ. Lúc trước, mỗi ngày tôi chỉ được 2,3 người ghé mua sách nhưng giờ đây có khi lên đến chục người. Thậm chí, họ đến mang theo chai nước suối, hộp sữa, cái bánh ngọt hoặc bánh mì tặng ông già. Tôi xúc động vô cùng cũng không biết sao mà cảm ơn hết tấm lòng của mọi người”.
Đôi lúc, có người đến dấm dúi cho ông 10.000, 20.000 đồng dặn ông cất kỹ, để mua nước uống. Ông Quang thường không biết họ là ai, cũng chẳng kịp hỏi tên, họ chỉ đưa rồi nhanh chóng rồ ga chạy xe đi.
Mỗi ngày, ông bán từ 6h đến 11h, trưa tìm bóng mát ở công viên để ngả lưng. Đầu tháng 5, Sài Gòn hay có những cơn mưa tầm tã, ông Quang lo lắng cho mớ sách sẽ bị ẩm ướt nên che chắn cẩn thận. Đối với ông, mỗi quyển sách đều có giá trị ẩn sau. Nó gieo cho bọn trẻ hạt mầm tri thức, trí tưởng tượng về thế giới rộng lớn, hoặc giúp người lớn sống điềm tĩnh, chậm rãi, nhận ra nhiều triết lý của cuộc đời.
“Mỗi lần, tôi thấy người trẻ đến muốn sách là tôi vui lắm”, ông bộc bạch. Ở tuổi gần 90, ông nói mình không nhà cửa, không bà con, không tiền bạc. Do đó, người đàn ông này chỉ có ước mơ khi mình nhắm mắt xuôi tay, sẽ có nơi để nằm xuống, có người lo liệu hậu sự.
Tuổi già của người đàn ông bên vệ đường đầy cô độc, nhưng ít ra, ông vẫn được đùm bọc bởi tình thương của người Sài Gòn.
Theo Song Nam (Nguoiduatin.vn)