Ông Lưu, 67 tuổi, là người khuyết tật sống ở Thượng Hải (Trung Quốc). Khi còn trẻ, ông Lưu làm giáo viên, cũng từng làm công nhân, hiện ông được mức lương hưu hàng tháng là 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng).
Thực ra, đối với ông Lưu, mức lương này đủ trang trải chi phí cho bản thân, lẽ ra ông phải tận hưởng một cuộc sống thật thoải mái. Tuy nhiên, để con gái theo đuổi hoài bão du học, ông không chỉ tiết kiệm tiền mà thậm chí còn đi nhặt rác, ăn thức ăn thừa của người khác vứt đi.
Được biết, ông Lưu luôn khuyến khích con gái đi đây đi đó và khám phá nhiều hơn khi còn nhỏ. Để cho con gái đủ tiền thăm thú thế giới, ông đã bắt đầu tiết kiệm tiền từ rất sớm.
Nhưng việc du học không đơn giản như vậy, học phí và chi phí sinh hoạt rất nặng nề. Mặc dù ông Lưu mỗi năm chuyển cho con gái khoảng 70.000 NDT (hơn 240 triệu đồng) nhưng số tiền này đều do ông Lưu nhặt và ăn đồ thừa để dành mới có được.
Hiện nay, con gái ông Lưu đã du học ở Đức được nhiều năm. Nhưng mỗi khi nhắc đến con gái, ông luôn tỏ ra rất buồn bã.
Hóa ra con gái ông không hề muốn trở về Trung Quốc, thậm chí còn nói thẳng với bố rằng: “Bố từ bỏ đi, con không về nước đâu”.
Về vấn đề này, một số cư dân mạng thẳng thắn cho rằng: "Quá nuông chiều lại nuôi thành một đứa trẻ ích kỷ. Học nhiều không có nghĩa là một người sẽ có nhân tính và đức độ".
Một số cư dân mạng tóm tắt kết cục câu chuyện của ông Lưu: “Thời đại nuôi con để dưỡng già đã qua từ lâu, phải dựa vào chính mình để tự lo liệu. Những gia đình có điều kiện trung bình không nên cho con đi du học, nếu không họ gần như sẽ không bao giờ trở về nước, hơn nữa đi du học mà năng lực chỉ ở mức thường thì về nước cũng khó kiếm việc, từ đó sinh ra những đứa con bất hiếu không có cách nào lo toan cho cha mẹ già”.
Có thể thấy, cư dân mạng về cơ bản không thể tán thành việc “cống hiến quên mình” của ông Lưu dành cho con gái, đồng thời họ cũng coi thường hành vi “ăn cháo đá bát” của cô gái đi du học kia.
Trước sự khổ tâm và hy sinh của ông Lưu dành cho con gái, cộng đồng mạng khuyên ông nên sử dụng pháp luật để can thiệp.
Vậy dưới góc độ pháp lý, vấn đề này nên được đánh giá như thế nào?
Trước hết, “Cha mẹ nuôi con, con phụng dưỡng cha mẹ” không chỉ là một quan niệm đạo đức mà nó còn được quy định rất rõ ràng trong pháp luật.
Theo pháp luật Trung Quốc quy định: Nếu cha, mẹ không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không sống tự lập được có quyền yêu cầu cha, mẹ cấp dưỡng.
Có thể thấy, cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Nhưng điều này không có nghĩa là cha mẹ phải hỗ trợ tài chính không giới hạn cho con cái, đặc biệt nếu con đã đến tuổi trưởng thành và có khả năng sống tự lập.
Trong sự việc này, con gái của ông Lưu năm nay 31 tuổi, đã học ở Đức nhiều năm, có khả năng sống tự lập và tự chủ tài chính nhất định.
Tuy nhiên, ông Lưu vẫn chọn cách gửi toàn bộ lương hưu cho con, thậm chí phải trả giá bằng chất lượng cuộc sống của bản thân, cách làm này rõ ràng đã vượt quá phạm vi nghĩa vụ hỗ trợ pháp lý. Nhưng vì tất cả những điều này đều do ông Lưu tự nguyện thực hiện, người ngoài cuộc không có quyền can thiệp.
Cũng trong luật quy định của Trung Quốc: Nếu con đã thành niên phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nói cách khác, con cái đã trưởng thành có nghĩa vụ phụng dưỡng, hỗ trợ và bảo vệ cha mẹ. Điều này có nghĩa là con gái ông Lưu không chỉ cần hỗ trợ tài chính cần thiết cho ông Lưu mà còn cần phải quan tâm, chăm sóc bố trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cô con gái lại chọn ở lại Đức để tiếp tục học và thẳng thắn tuyên bố không muốn về nước trong khi vẫn nhận tiền bố gửi qua hàng tháng, đây rõ ràng là sự lơ là nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tuy nhiên, con gái ông Lưu chưa nói rõ sẽ không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nên không thể xác định cô đã vi phạm quy định.
Theo Trung Hạ (Phụ Nữ Mới)