Khi mới về làm dâu, tôi rất lo sợ cuộc sống chung với bố mẹ chồng sẽ có nhiều mâu thuẫn phát sinh. Nhưng ở chung mới biết, mẹ chồng rất dễ tính, chẳng bao giờ soi mói con dâu.
Ban đầu tôi cũng cố dậy sớm để nấu ăn sáng cho cả nhà nhưng mẹ chồng bảo:
“Đang tuổi ăn tuổi ngủ thì cứ ngủ đi con, không phải dậy. Mẹ già không ngủ được nên dậy nấu nướng cho cả nhà. Vào ngủ đi đến giờ ăn thì mẹ gọi”.
Từ đó, con dâu cứ ngủ đến lúc gần ăn sáng mới dậy. Ăn xong còn chẳng kịp rửa được cái bát đã đi làm nên bỏ đấy cho mẹ chồng dọn dẹp.
Lúc tôi mang bầu, mẹ chồng rất quan tâm tới con dâu. Bà bắt con trai đăng ký cho vợ gói thai sản ở bệnh viện sản tốt nhất. Mỗi lần đi khám định kỳ, mẹ chồng lại hỏi han cụ thể xem có vấn đề gì không.
Bác sĩ nói tôi bị dư ối khiến mẹ chồng rất lo lắng. Bà bắt con dâu xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để tìm ra nguyên nhân bị dư ối thai kỳ. Khi đã loại trừ được bệnh tiểu đường, bất thường ở bào thai hay bất đồng nhóm máu giữa 2 mẹ con, mẹ chồng mới yên tâm.
Bác sĩ bảo, tình trạng bị dư ối như tôi sẽ dễ phải đối mặt với những nguy cơ sinh nở như: Tăng nguy cơ sinh ngược vì nước ối nhiều khiến trẻ khó chuyển ngược đầu xuống trong những tuần cuối thai kỳ. Ngoài ra, làm tăng nguy cơ chảy máu âm đạo và nhiều biến chứng khác liên quan đến tử cung của người mẹ. Nghe bác sĩ nói vậy, mẹ chồng tôi ngay lập tức bảo con dâu đăng ký mổ đẻ chủ động để yên tâm nhất, tránh những rủi ro thai kỳ.
Đặc biệt, tôi mới bầu tháng thứ 5, bà đã giục đi mua quần áo sơ sinh cho cháu. Bà bảo, mua đồ sơ sinh tháng này bụng bầu vẫn còn nhỏ, đi lại nhanh nhẹn hơn và không mệt mỏi. Để khi bầu tháng 8,9 mua đồ sơ sinh thì nguy hiểm hơn vì lúc này bụng đã to, mẹ đi lại nặng nề và mệt mỏi. Tôi hiểu những gì bà nói nhưng lại thấy mua đồ sơ sinh ở tháng thứ 5 còn quá sớm nên cứ lần lữa.
Mọi năm Tết đến tôi toàn đi chợ mua sắm Tết. Nhưng năm nay đang bầu bí như vậy, vợ chồng tôi phải làm đến 29 mới nghỉ nên tôi đưa tiền Tết cho bà mua sắm. Do năm nay 2 khoản thưởng Tết của vợ chồng góp lại cũng được kha khá nên tôi biếu mẹ chồng 25 triệu sắm Tết.
Con dâu vừa đưa tiền, mẹ chồng đã bảo sao đưa nhiều thế, đã biếu ông bà ngoại được đồng nào chưa? Dù tôi đã nói sẽ dành 1 khoản biếu ông bà ngoại nhưng mẹ chồng vẫn bảo chỉ cầm 1 nửa số tiền này, số tiền còn lại con dâu gửi thêm vào cho ông bà thông gia sắm sửa vì nhà ngoại đông con cháu, tiêu Tết tốn kém hơn.
Nghe mẹ chồng nói mà tôi ấm lòng. Phụ nữ lấy chồng cũng chỉ mong gặp được mẹ chồng tử tế là hạnh phúc lắm rồi các chị nhỉ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn về đề nghị sắm đồ sơ sinh từ tháng thứ 5 thai kỳ của mẹ chồng tôi. Các chị em thường sắm đồ sơ sinh khi nào vậy?
Nên mua đồ sơ sinh vào tháng thứ mấy?
Thông thường, các mẹ ngay từ khi bắt đầu mang thai đều rất háo hức, vui vẻ và hạnh phúc khi sắm đồ sơ sinh cho con. Thế nhưng, nhiều người nghe các bậc phụ huynh nói phải kiêng không được sắm đồ sơ sinh sớm nên đã cố gắng chờ tới tháng thứ 8 mới mua, khi đó bầu đã to, đi lại nặng nề gây mệt mỏi cho các mẹ.
Có thể nói, mang thai tháng thứ mấy thì sắm đồ sơ sinh tùy vào hoàn cảnh của từng người, từng gia đình để có cách cư xử cho hợp tình hợp lý mà vui lòng mọi người. Kiêng hay không kiêng chỉ là vấn đề tâm lý, không có căn cứ khoa học nào.
Mua sắm đồ sơ sinh khi nào không quan trọng, miễn là mẹ các mẹ nên mua sắm đồ sơ sinh cho bé vào tháng thứ 5, 6 của thai kỳ là hợp lý nhất. Tháng thứ 3 thì vẫn còn trong giai đoạn cần giữ gìn không nên đi lại, vận động nhiều, tháng thứ tư trở đi là khá thoải mái vì bụng mẹ còn nhỏ không gây nặng nề, mệt mỏi. Nếu để tới tận tháng thứ 8, thứ 9 mới đi mua quần áo sơ sinh cho con còn nguy hiểm hơn, bởi lẽ lúc này bụng đã to, mẹ đi lại nặng nề, mệt nếu có gặp sự cố gì mẹ không thể xử lý nhanh được, dễ gặp nguy hiểm hơn.
Theo Thảo Nguyên (Kienthuc.net.vn)